Ngày 5/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019. Theo đó, Quảng Ninh đạt 73,40 điểm trên thang điểm 100, tăng 3,04 điểm so với năm 2018, tiếp đến là Đồng Tháp 72,10 điểm, Vĩnh Long 71,30 điểm, tăng từ vị trí thứ 8 năm 2018 lên vị trí thứ 3, Bắc Ninh 70,79 điểm.
Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội, Hải Phòng. TP. Hồ Chí Minh tuột khỏi Top 10 xuống vị trí thứ 14. Vị trí cuối bảng không có thay đổi nhiều so với năm trước, lần lượt từ cuối bảng lên là Lai Châu, Đắk Nông, Bình Phước, Hà Giang, Bắc Kạn...
![]() |
Năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đứng đầu danh sách PCI |
Với kết quả đầu danh sách xếp hạng PCI 2019 của tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, sự quyết tâm của chính quyền tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng hơn của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh...
Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 21 địa phương tại Việt Nam. Đây là cuộc điều tra lấy mẫu ngẫu nhiên, được thực hiện bài bản, khoa học theo các chuẩn mực cao của thế giới, phản ánh đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên báo cáo phân tích về xu hướng tự động hóa và số hoá trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới...
![]() |
Bảng xếp hạng PCI 2019 |
Đây là năm thứ 15 liên tiếp VCCI công bố Bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Tại lễ công bố, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - nhấn mạnh: Báo cáo PCI năm 2019 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế các địa phương đã giữ vững được xu hướng cải thiện theo thời gian. Một số chuyển biến rõ nét bao gồm mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh, công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn.
Điều tra PCI 2019 cho thấy có 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải bao gồm: tìm kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn. Khó khăn của doanh nghiệp chắc chắn còn nghiêm trọng hơn trong năm 2020 và thời gian tới bởi những tác động tiêu cực do bùng phát dịch Covid 19. Bên cạnh đó, PCI 2019 cũng cho thấy các doanh nghệp FDI tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh VIệt Nam
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đánh giá, chỉ số PCI 15 năm qua có vai trò quan trọng thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Báo cáo PCI năm 2019 không chỉ chỉ ra dư địa cải cách, mà còn góp phần tổng kết và nhân rộng những mô hình, công nghệ cải cách cho các địa phương. Nhiều thực tiễn tốt trong cải cách môi trường kinh doanh ở địa phương, qua các hoạt động của dự án PCI đã được lan tỏa.