Được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận, cấp chứng nhận sản phẩm OCOP từ năm 2016, cam Vạn Yên với vị ngọt thanh, đậm đà, đang ngày càng được nhiều người dùng biết đến và ưa chuộng.
 |
Cam Vạn Yên được trồng nhiều tại các vùng đồi xã Vạn Yên (thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) nơi có khí hậu trong lành, độ ẩm lớn, màu mỡ. Theo ước tính, tổng diện tích trồng cam tại xã Vạn Yên khoảng 183 ha với 100 hộ trồng cam |
 |
Từ cây đặc sản có nguy cơ suy giảm, nay cam Vạn Yên đã trở thành một sản phẩm OCOP có thương hiệu, có vùng trồng ổn định và đang dần mở rộng về quy mô. Hiện huyện Vân Đồn đã có chủ trương xây dựng Đề án phát triển cây trồng bản địa, trong đó có mở rộng thêm 200ha cam tại xã Vạn Yên, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh thành khác |
 |
Không chỉ hợp thổ nhưỡng, Vạn Yên còn có nguồn nước tưới sạch và dồi dào từ các khe suối, cộng với khí hậu ôn hoà nên cây cam sinh trưởng rất tốt |
 |
Bà Hồ Thị Na, chủ vườn cam số 68, thuộc hợp tác xã (HTX) Nông trang Vạn Yên cho biết: Hiện gia đình có khoảng 10ha trồng cam các loại bao gồm: Cam giấy, cam lòng vàng, cam đường canh, cam V2, cam đường, cam sen… được trồng và chăm sóc hoàn toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và gần như không dùng thuốc bảo vệ thực vật |
 |
Vào mùa thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua, mức giá dao động từ 32.000-35.000 đồng/kg tùy theo chủng loại, chất lượng. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Vạn Yên: Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, địa phương đã định hướng người trồng cam, tổ chức thu hoạch để tiêu thụ vùng nội tỉnh. Đồng thời phối hợp với một số phòng chuyên môn của huyện đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cam Vạn Yên tại các hội chợ OCOP của tỉnh và các địa phương khác |
 |
Trước đây các hộ chủ yếu trồng giống cam bản địa là cam giấy, cam sen, cam đường, cam sành và quýt (ngọt) thu hoạch 4 tháng trong năm, từ tháng 10 âm lịch đến tháng Giêng. Nhưng mấy năm nay các hộ trồng thêm các giống mới như giống cam đường canh, giống V2, thu hoạch từ tháng Giêng đến hết tháng 4 |
 |
Những năm gần đây, nhiều chuyên gia từ Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương được huyện mời về chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất cây giống bằng công nghệ ghép để có hệ số nhân giống cao hơn… Bên cạnh đó, nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, thu hoạch cam cũng được mở |
 |
Trung bình mỗi năm sản lượng cam Vạn Yên đạt khoảng 200 tấn. Do mỗi năm chỉ có một vụ và thu hoạch vào dịp cuối năm, nên cam Vạn Yên thường chỉ tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và một số tỉnh, thành lân cận. Trung bình mỗi hộ gia đình trồng cam có thu nhập từ 100-200 triệu đồng mỗi năm |
 |
Cam trĩu quả trên cành chờ người đến hái. Mỗi cây có thể cho thu hoạch từ 1-3 tạ cam/mùa |
 |
Cam Vạn Yên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc, được huyện Vân Đồn hỗ trợ về bao bì, quảng bá thương hiệu và nhiều lần tham gia hội chợ sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh |
 |
Việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm, giúp sản phẩm dễ đến với người tiêu dùng hơn |
 |
Du khách đến làng cam Vạn Yên có thể vào tận vườn hái quả, thưởng ngoạn không khí trong lành ở Vân Đồn và tham quan trải nghiệm chuyến dã ngoại lý thú. Qua hoạt động mở cửa vườn đón du khách đã giúp quảng bá đặc sản địa phương, công khai quy trình sản xuất an toàn để khách hiểu, tin dùng sản phẩm |
 |
Với các bạn trẻ, vườn cam là một địa điểm lý tưởng để thăm quan và chụp những bức hình đẹp. Còn với các bạn nhỏ, một buổi dã ngoại, du lịch nông nghiệp đã giúp khám phá thêm nhiều điều mới mẻ về thiên nhiên |
 |
Du lịch nông nghiệp được xem là một hướng đi mới và đã thành công ở nhiều địa phương, có thể giúp phát triển song song cả nông nghiệp và du lịch dịch vụ |
Tiến Dũng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém ★ Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★