Quản lý thị trường: Vai trò chủ công trong chống hàng giả

Trước ‘âm mưu’ của các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, lực lượng QLTT và Cục Quản lý thị trường ở các tỉnh thành quyết tâm đấu tranh, triệt phá.
Quản lý thị trường cả nước kiểm tra trên 61.000 vụ việc trong 10 tháng năm 2024Lễ phát động cuộc thi ‘Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến’Hà Nội: Đẩy mạnh công tác phối hợp, phòng chống hàng giả trong cao điểm cuối năm

Quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Trong những tháng đầu năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, lực lượng quản lý thị trường đã chủ động triển khai quyết liệt các kế hoạch, biện pháp đấu tranh ngăn chặn và xử lý đối với vấn nạn này.

Lực lượng quản lý thị trường đã chủ động triển khai quyết liệt các kế hoạch, biện pháp đấu tranh ngăn chặn đối với hàng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 13.805 vụ, phát hiện, xử lý 10.936 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 131 tỷ đồng. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc đã kiểm tra hơn 62.000 vụ việc liên quan đến sàn thương mại điện tử, xử phạt hơn 410 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu là hàng giả, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra các vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc

Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hiện, triệt phá tổng kho hàng hóa không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu nhập lậu livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Sự vụ điển hình có thể kể đến như: Ngày 30/1/2024 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, lực lượng QLTT đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Pleiku bắt quả tang tổng kho hàng hóa giả mạo nhãn hiệu khi đang livestream chốt đơn trên facebook.

Ngày 28/3/2024, Cục QLTT thành phố Hà Nội cũng đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tang vật tạm giữ trong vụ kiểm tra kho hàng của "hotgirl" Nguyễn Hoàng Mai Ly (Mailystyle) đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định. Đây là vụ việc vi phạm điển hình trong kinh doanh trên thương mại điện tử, có tính chất, quy mô phức tạp mà lực lượng QLTT phát hiện, xử lý.

Thời gian qua, nhiều vụ việc nổi cộm cũng đã được triệt phá. Điển hình, trước đó, ngày 25/12/2023, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Đội QLTT số 11 phối hợp Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Công an quận Hà Đông kiểm tra đối với địa điểm kinh doanh, tập kết hàng hóa tại địa chỉ căn U04-L01 khu đô thị mới Dương Nội, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Kho hàng trên thuộc sở hữu của bà Nguyễn Hoàng Mai Ly.

Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ số lượng hàng hóa gồm 126.603 sản phẩm thuộc 242 chủng loại hàng hóa các loại gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và hàng gia dụng do nước ngoài sản xuất. Số hàng hoá này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, tính hợp pháp của hàng hóa. Trị giá hàng hóa vi phạm xác định 20,1 tỷ đồng.

Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, Tổng cục QLTT đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho Cục QLTT các tỉnh, thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng giả gian lận thương mại. Cụ thể, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương, Tổng cục đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc toàn lực lượng triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm...

Theo đó, Cục QLTT các tỉnh, thành phố căn cứ vào tính chất địa bàn, nguồn nhân lực đã xây dựng Kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm; tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng; tăng cường giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm, bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

Với vai trò là cơ quan thường trực, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất trưởng ban chỉ đạo các đơn vị thành viên và lực lượng QLTT cả nước trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời làm tốt công tác tổng hợp báo cáo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Nhiều giải pháp trọng tâm

Trong thời gian tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, để công tác QLTT mang lại hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục triển khai Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Lực lượng Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường ở các tỉnh, thành quyết tâm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Hai là, thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, nắm chắc tình hình diễn biến thị trường, kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, phức tạp, các lĩnh vực, mặt hàng vi phạm, nhất là các lĩnh vực, mặt hàng mới để có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng như: Công an, hải quan, thuế, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành các đơn vị để kịp thời đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm… Đẩy mạnh các hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ba là, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các vi phạm khác; thực hiện hậu kiểm sau cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Bốn là, tăng cường kiểm tra nội bộ, kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế, sai sót trong hoạt động công vụ, nhất là hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Năm là, tiếp tục tập trung vào các hoạt động tuần tra, khép chặt tuyến biên giới, đặc biệt là những nơi có các đường mòn, lối mở qua lại biên giới; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp ký các cam kết về bán hàng đúng niêm yết giá và bảo đảm chất lượng… cũng như nâng cao nhật thức cho cộng đồng người tiêu dùng về hàng giả, hàng kém chất lượng…

Minh Khuyên
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận