Quản lý môi trường tại các khu công nghiệp: Những khuyến nghị từ Kiểm toán nhà nước

Phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tại các địa phương cần có sự quan tâm, giám sát về công tác bảo vệ môi trường.
Cơ bản bản hoàn thành Kế hoạch kiểm toán năm 2023Tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa Kiểm toán nhà nước Việt Nam và Lào

Mang đến sự phát triển kinh tế, tạo việc làm cho địa phương, nhưng hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp tại nhiều tỉnh thành vẫn đang tồn tại không ít những bất cập. Một trong số đó là công tác bảo vệ môi trường. Từ hoạt động kiểm toán thuộc lĩnh vực này, tại tỉnh Hà Nam, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những tồn tại cần khắc phục.

Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017-2021 của tỉnh Hà Nam cho thấy vẫn tồn tại một số bất cập trong công tác ban hành văn bản quản lý; công tác thanh tra, kiểm tra thiếu tính bao quát... Đây là những nhân này làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, quản lý môi trường trên địa bàn.

Quản lý môi trường tại các khu công nghiệp: Những khuyến nghị từ Kiểm toán nhà nước
Quản lý môi trường tại các khu công nghiệp: Những khuyến nghị từ Kiểm toán nhà nước

Theo đó, trong giai đoạn 2017-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã ban hành các văn bản, chỉ thị, kế hoạch... về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở trong việc quản lý, bảo vệ môi trường được thực hiện hằng năm với nhiều hình thức đa dạng...

Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, công tác ban hành văn bản chưa đảm bảo đầy đủ, kịp thời; trong đó, UBND tỉnh chưa ban hành 2 văn bản; Sở Tài nguyên và Môi trường chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời 3 văn bản để triển khai thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp tại địa phương. Đến thời điểm kiểm toán, Luật bảo vệ môi trường 2020 đã có hiệu lực (ngày 01/01/2022) song UBND tỉnh chưa ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn các nội dung được giao trong Luật, dẫn đến nhiều văn bản chưa được thay thế, sửa đổi; chưa có quy định chi tiết phù hợp với Luật bảo vệ môi trường 2020.

Bên cạnh đó, theo Kiểm toán Nhà nước, UBND tỉnh Hà Nam cũng chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường. Các Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh Hà Nam về việc Quy định BVMT trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Quyết định số 1663/QĐ-UBND ngày 22/12/2011 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030; đến thời điểm kiểm toán, các văn bản trên không còn phù hợp quy định tại Luật bảo vệ môi trường 2020 và còn căn cứ trên các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực. “Các tồn tại trên đã làm ảnh hưởng đến hiệu lực triển khai thực hiện nhiệm vụ và các văn bản pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp trên địa bàn” - Báo cáo kiểm toán nêu.

Đồng thời, Sở Tài nguyên môi trường không thực hiện phổ biến, tuyên truyền văn bản, kế hoạch của UBND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp giai đoạn 2017-2021; công tác tuyên truyền chưa phát huy được hiệu quả, còn những tồn tại trong tuân thủ Luật bảo vệ môi trường và các quy định có liên quan của các dự án...

Đáng chú ý, giai đoạn 2017-2021, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hà Nam không tham gia thực hiện việc lấy ý kiến, tham vấn ý kiến về công tác điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp (Đồng Văn I, Đồng Văn IV, Châu Sơn). Điều này làm tiềm ẩn nguy cơ các khu công nghiệp điều chỉnh khi chưa đáp ứng được các chỉ tiêu môi trường. Trong giai đoạn này, Sở chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường đối với 6/408 dự án đang chính thức hoạt động trong khu công nghiệp (đạt 1,47%); không thực hiện kiểm tra các biện pháp bảo vệ môi trường theo Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn theo quy định.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, phát hiện các sai phạm, Báo cáo kiểm toán nêu rõ, công tác thanh tra, kiểm tra trong công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam còn hạn chế, tỷ lệ các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được thanh tra, kiểm tra trên địa bàn còn rất thấp; chưa đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chưa thực hiện triệt để theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và các Kế hoạch đã được phê duyệt.

Trong giai đoạn 2017-2021, công tác thanh tra, kiểm tra tại Sở Tài nguyên môi trường chưa được quan tâm đúng mức, chỉ mới thực hiện kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 63/408 (15,44%) cơ sở trong khu công nghiệp đã đi vào hoạt động...

Qua kiểm toán cũng cho thấy, nội dung báo cáo quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên môi trường chủ yếu là thống kê kết quả quan trắc, chưa có đánh giá đầy đủ tác động và phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục kịp thời đối với các chỉ tiêu nước thải, nước mặt, nước ngầm vượt quy chuẩn cho phép.

Từ thực tế kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị UBND tỉnh Hà Nam rút kinh nghiệm và chấn chỉnh kịp thời đối với các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp trên địa bàn đã được chỉ ra. Đồng thời, tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp trên địa bàn để phát triển kinh tế luôn song hành với bảo vệ môi trường.

Thùy Linh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận