![]() |
Thực phẩm tại cơ sở giáo dục cần kiểm soát chặt |
Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2 triệu học sinh, số trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú là hơn 1.600 trong tổng số khoảng 2.700 trường. Để chuẩn bị năm học mới an toàn và hiệu quả, Ban Chỉ đạo ATTP TP. Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 3287/BCĐ-ATTP, gửi UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc quy định của Luật ATTP; Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã có chỉ thị số 4316/CT-BGDĐT tăng cường công tác bảo đảm ATTP trong các cơ sở giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực cho bếp ăn tập thể tại cơ sở giáo dục theo phân cấp.
Để nâng cao hiệu quả quản lý ATTP tại bếp ăn tập thể trong cơ sở giáo dục, Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP. Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm đầu vào; chỉ hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm đủ điều kiện ATTP theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự giám sát; phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm ATTP theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với Sở y tế và cơ quan liên quan tại địa phương; hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở giáo dục tăng cường biện pháp bảo đảm vệ sinh trường học, ATTP. Tuyệt đối không để xảy ra sự việc như tỉnh Bắc Ninh khi nhiều trẻ ở huyện Thuận Thành có kết quả dương tính với ấu trùng sán lợn khiến dư luận thêm lo lắng về vấn đề ATTP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm VSATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, lưu mẫu thực phẩm theo quy định.
Các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm VSATTP. Nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường tại các cơ sở giáo dục. Chủ động chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị, phương án xử lý ngộ độc thực phẩm đông người mắc phải...
Nhằm bảo đảm an toàn cho bữa ăn của học sinh tại các trường học có tổ chức bếp ăn tập thể, ngoài việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, các trường học cần thực hiện công khai, minh bạch việc tổ chức bữa ăn của học sinh cho tất cả phụ huynh cùng giám sát. Đây là việc làm cần thiết, tăng thêm lực lượng ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn tuồn vào trường học. |