Luật An ning mạng đã được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ V, ngày 12/6/2018. Luật này quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức đã trình bày, đưa ra những luận điểm về an ninh mạng trên toàn cầu, đồng thời làm rõ các khái niệm về bảo vệ an ninh mạng, không gian mạng, cơ sở hạng tầng không gian mạng quốc gia, tội phạm mạng, tình huống nguy hiểm về an ninh mạng... cũng như các chính sách của Nhà nước, các biện pháp xử lý theo quy định.
![]() |
GS.TS Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức trình bày những vấn đề về an ninh mạng trong nước và trên thế giới |
Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, Viện trưởng Viện Khoa học cảnh sát (Học viện Cảnh sát nhân dân - Bộ Công an), hiện Việt Nam có 96 triệu dân thì có 64 triệu người dùng Internet, trong đó có 58 triệu người đang dùng Facebook, 55 triệu người dùng mạng xã hội nói chung, có 146 triệu sim điện thoại, trong đó có 50 triệu người dùng mạng xã hội trên điện thoại di động. Rất nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo đã nêu lên các vấn đề trong việc triển khai Luật An ninh mạng trong thực tế.
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Bắc - Thư ký tòa soạn Báo Đất Việt cho rằng, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ đầu năm 2019. Luật An ninh mạng ra đời từ yêu cầu cấp bách thực tiễn đời sống xã hội. Theo đánh giá của Bộ Công an, việc bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và an toàn xã hội theo cấp độ và áp dụng các biện pháp bảo đảm là cấp bách. Việc xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo an ninh trên mạng Internet là yêu cầu khách quan.
Trên thực tế, không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, vượt xa hình dung của những người sử dụng phổ thông, trên thế giới người ta đã phải dùng đến khái niệm “chiến tranh không gian mạng”, “cuộc chiến không gian mạng” để thấy rõ nó không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo, buôn bán các sản phẩm bị cấm mà nó còn có thế tác động đến kết quả bầu cử ở cấp quốc gia, tác động xấu đến an ninh chủ quyền, đời sống xã hội ở nhiều quốc gia. Nhiều hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (hệ thống thông tin của Chính phủ, các bộ, các tổ chức, ngân hàng, năng lượng, hàng không...) đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc. Mỗi năm có hàng chục ngàn cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan chính phủ, các hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, trang web của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam... nhằm đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước, thành tựu khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ. Với các cơ quan báo chí, bên cạnh việc đối mặt với việc tấn công vào cơ sở hạ tầng dữ liệu, nguy cơ lớn nhất trong vấn đề an ninh mạng là nội dung thông tin tuyên truyền trong không gian mạng thời kỳ cách mạng 4.0 trước thách thức chiến tranh mạng, gián điệp mạng, tấn công mạng, tội phạm mạng và nhiều vấn đề phức tạp mới.
Trong khi đó, nói về vấn đề tổ chức đánh bạc qua mạng, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức cho biết, việc xâm phạm trật tự trên an ninh mạng hiện nay đã có quy định. Theo Bộ luật Hình sự Điều 234, 217 quy định về các vấn đề tổ chức đánh bạc, cộng với các văn bản hướng dẫn sẽ giúp cho các lực lượng chức năng có thể kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm. Khi tội phạm xảy ra, việc ngăn chặn, thu thập chứng cứ sẽ tốt hơn.
Buổi hội thảo về Luật An ninh mạng cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia như PGS.TS Phạm Bích San (Tổng Biên tập tạp chí Nghe nhìn Việt Nam), TS. Nguyễn Thị Mỹ (Tổng Biên tập tạp chí Sức khỏe và Môi trường)...cùng nhiều nhà báo đến từ các cơ quan thông tin, truyền thông trong và ngoài VUSTA.