![]() |
Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch |
Chưa tương xứng tiềm năng
Theo báo cáo của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Du lịch Việt Nam có khá nhiều con số ấn tượng: Năm 2015, lượng khách quốc tế là trên 7,9 triệu lượt, khách nội địa 57 triệu lượt; 6 tháng đầu năm 2016, khách quốc tế là 5,5 triệu lượt, khách nội địa trên 38 triệu lượt. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm trên 235.000 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2015. Ngành Du lịch đóng góp trực tiếp vào GDP 6,6%, lan tỏa và gián tiếp đóng góp tới gần 14%, tạo 2,25 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Đến nay, cả nước có 1.555 DN lữ hành quốc tế, hơn 20.100 cơ sở lưu trú. Việt Nam cũng có nhiều địa danh mang thương hiệu quốc tế hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước như: Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang… Tuy vậy, với cách nhìn là ngành kinh tế mũi nhọn thì ngành Du lịch vẫn còn nhiều yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - thẳng thắn: “Các chính sách, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam còn nhiều bất cập, năng lực quản lý chưa theo kịp nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội”. Còn theo đại diện Công ty Viettravel, việc quảng bá xúc tiến du lịch lâu nay của Việt Nam ở nước ngoài vẫn trong tình trạng mạnh ai nấy làm. Bà Đỗ Thị Tuyết Hạnh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group - cho rằng, nguồn nhân lực hiện tại chưa đạt yêu cầu với thực tế phát triển du lịch…
Cần những quyết sách mới
Để thúc đẩy phát triển du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần có những giải pháp mang tính đột phá, các địa phương không nên trông chờ, ỷ lại mà “phải tự cứu mình”; về phía nhà nước, sẽ có những giải pháp lâu dài. Cụ thể, Chính phủ đã cấp 200 tỷ đồng cho Bộ Công an tiến hành thực hiện dự án hộ chiếu điện tử, bảo đảm từ ngày 1/1/2017 sẽ đưa chương trình này vào hoạt động. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ xem xét dự án thành lập lực lượng cảnh sát du lịch; điều chỉnh mức lệ phí thị thực nhập cảnh; xúc tiến mở những đường bay trực tiếp từ các địa bàn khách quốc tế trọng điểm đến Việt Nam với tinh thần “bầu trời mở cửa”. Ngay tại hội nghị, Thủ tướng đã thông qua quyết định thành lập Quỹ đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời yêu cầu siết chặt các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, trước mắt tập trung tốt cho APEC 2017 để quảng bá hình ảnh Việt Nam; quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng phục vụ du lịch; ban hành bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực du lịch; tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch nhất là lực lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch…
Về hướng đi của ngành Du lịch, Thủ tướng chỉ rõ: Phải giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng. Cơ quan quản lý nhà nước với nhiệm vụ kiến tạo phải bàn đến việc xây dựng thương hiệu, xây dựng DN ngành Du lịch vững mạnh, quy mô.
Mục tiêu của du lịch Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020: Mỗi năm thu hút 14 - 15 triệu lượt khách quốc tế; 70 - 75 triệu lượt khách nội địa; tăng thời gian lưu trú và khách quay lại điểm đã đến; đến năm 2020, ngành Du lịch đóng góp 9 -10% GDP; thu từ du lịch tăng từ 14 - 16%/năm; tạo 3,5 triệu việc làm… |