Cuộc thi được Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp tổ chức cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp Thụy Điển.
“Sáng tạo như người Thụy Điển” là cuộc thi được tổ chức hàng năm cho sinh viên Việt Nam nhằm khuyến khích sự sáng tạo và tìm ra các giải pháp mang tính sáng tạo để xử lý các thách thức liên quan đến các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) được nêu trong chương trình nghị sự 2030. Đây là năm thứ 4 cuộc thi này được tổ chức.
![]() |
Bà Ann Måwe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam |
Theo bà Ann Måwe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Thụy Điển là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới có năng lực sáng tạo cao nhất phần lớn là nhờ vào văn hoá khuyến khích lối tư duy tiên phong, suy nghĩ cởi mở và tư duy phản biện. Rất nhiều phát minh sáng chế của Thụy Điển, theo nhiều cách khác nhau, đã làm thay đổi thế giới như vòng bi, máy siêu âm, máy điều hoà không khí, dây đeo an toàn trên ô tô, Skype, Bluetooth, Spotify, công nghệ định vị toàn cầu GPS…
Đại sứ Måwe cũng đánh giá cao định hướng chiến lược của Việt Nam để thúc đẩy đổi mới, đồng thời nhấn mạnh đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố quan trọng đối với Việt Nam trong tiến trình hoàn thành các SDGs. “Để thúc đẩy đổi mới, chúng ta nên truyền cảm hứng và khuyến khích những môi trường nơi các bạn trẻ được tự do và được hỗ trợ để có thể đưa ra các giải pháp để giải quyết các thách thức phát triển của ngày hôm nay và ngày mai. Giới trẻ chính là tác nhân của sự thay đổi và đổi mới” - bà Ann Måwe nhấn mạnh.
Mỗi năm, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của khoảng 130 quốc gia và nền kinh tế toàn cầu. Theo chỉ số này, Thụy Điển là quốc gia sáng tạo thứ hai trên thế giới. Về khởi nghiệp sáng tạo, Thụy Điển cũng đứng thứ hai trên thế giới với thủ đô Stockholm có số lượng công ty công nghệ trị giá tỷ đô cao thứ hai trên thế giới nếu trên đầu người, chỉ sau Thung lũng Silicon.
Trong khi đó, Việt Nam đã và đang tiến bộ nhanh chóng trong bảng chỉ số này. Năm 2019, Việt Nam được xếp hạng 42 trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng ba vị trí so với năm trước. Với mức thu nhập hiện nay và thực tế là một nền kinh tế khá trẻ, đây là một kết quả đặc biệt tốt. Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích những ý tưởng sáng tạo, Thụy Điển và Việt Nam có thể hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực này, mang lại lợi ích không chỉ cho người Thụy Điển và người Việt Nam, mà cả thế giới.
Theo đó, chủ đề của cuộc thi năm nay là mục tiêu số 9 - “xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hoá bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới sáng tạo”.
Sinh viên dự thi sẽ thành lập các nhóm 2 thành viên và sáng kiến của nhóm sẽ được đánh giá theo các tiêu chí tính đổi mới, sáng tạo, khả thi, bền vững và ứng dụng trong cuộc sống cũng như tác động lâu dài của sáng kiến.
Hạn chót gửi bài dự thi là ngày 19/11/2019. Giải nhất của cuộc thi là một chuyến đi thăm quan và trải nghiệm văn hóa đổi mới sáng tạo Thụy Điển, bao gồm tới thăm trụ sở chính của các công ty Thụy Điển (Elextrolux, Volvo, ABB, Hestra, SKF, TetraPak, AtlasCopco, IKEA, Trelleborg, Tundra) và Đại học Uppsala. Các sinh viên đạt giải khuyến khích sẽ có cơ hội thực tập tại các công ty Thụy Điển tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đội đạt giải sẽ nhận được sự tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp thanh niên trực thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trung tâm cũng sẽ kết nối các nhóm và đề xuất của họ với các nhà đầu tư tiềm năng nếu khả thi về mặt thương mại.