![]() |
Bà con nên chọn mua các loại phân bón của các doanh nghiệp lớn, uy tín |
Thật – giả khó lường
Cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, sản xuất phân bón trong nước luôn có tốc độ tăng trưởng mạnh. Mỗi năm có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh phân bón đăng ký mới. Kéo theo đó là hàng chục triệu tấn phân bón với hàng ngàn chủng loại, nhãn hiệu được tung ra thị trường. Trong số này, các cơ quan chuyên môn và nhiều địa phương phát hiện có đến 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu, chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì, đặc biệt đối với phân bón hỗn hợp NPK. “Thị trường hiện có đến vài ngàn chủng loại, nhãn hiệu phân bón, khiến nông dân như rơi vào “ma trận” khi lựa chọn. Nhớ và hiểu được tác dụng của các loại phân bón đã khó; nhận biết, phân biệt được phân bón thật – giả lại càng khó hơn”- ông Lương Quốc Cường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam bức xúc.
Theo ông Lê Quốc Phong – Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền: Các công ty sản xuất phân bón chân chính hiện đang điên đầu với việc bị làm giả bao bì. Không chỉ giả về công dụng, chất lượng, giả nhãn mác của các doanh nghiệp uy tín, nhiều cơ sở sản xuất còn in bừa bãi các chỉ số trên bao bì, các chỉ số này đều lớn hơn nhiều so với chất lượng của sản phẩm bên trong. Nhiều cơ sở còn ghi hạn sử dụng vô lối, không theo một quy chuẩn cụ thể nào. Trắng trợn hơn, có bao bì còn in logo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, kèm theo dòng chữ “Sản phẩm được Hiệp hội Phân bón Việt Nam khuyên dùng”.
Kết quả điều tra trên 80% tỉnh, thành phố trong cả nước từ tháng 8/2015 đến quý 1/2016 của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đưa ra con số báo động: Có hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón bằng “công nghệ cuốc xẻng”, xe trộn bê tông và không có phòng thí nghiệm. Việc tổ chức cung ứng phân bón vẫn chồng chéo, phân bón trong Nam đưa ra Bắc, phân bón ngoài Bắc chuyển vào Nam, hệ thống đại lý thì nhiều cấp, khiến giá bán đội lên trông thấy… Rõ ràng, phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang “bủa vây” người nông dân; móc túi người nông dân bằng những vụ mùa thất bát…
Nông dân nghèo gánh hậu quả
Điều đáng nói là, đối tượng mà các cơ sở sản xuất – kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhắm đến chính là bà con nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cũng như đời sống còn khó khăn của bà con, các cơ sở sản xuất – kinh doanh này đã sử dụng chiêu trò: Chiết khấu tỷ lệ cao cho đại lý, áp dụng chính sách bán thiếu, trả chậm; tung ra bán nhiều nơi với số lượng nhỏ nhằm tiêu thụ nhanh, tránh việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng. Trong quá trình tiêu thụ,nếu bị kiểm tra, phát hiện, các cơ sở sản xuất vi phạm này sẵn sàng bỏ hết và cho ra sản phẩm mới, nhãn hàng khác tiếp tục lừa người nông dân.
Về phía người nông dân, do không có nhiều vốn để đầu tư cho sản xuất nên không có điều kiện chọn mua các loại phân bón của các doanh nghiệp lớn, uy tín. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất – kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng lại ra sức chào mời mua phân với hình thức trả chậm. Chỉ đến khi bón cho cây trồng, lúc thu hoạch cây cho năng suất thấp, thậm chí chết yểu, người nông dân mới hiểu cái giá của việc mua phân bón giả, phân bón kém chất lượng là quá đắt đỏ. Người dân vốn nghèo, vì những mất mát này lại càng nghèo hơn…
Thực tế này cho thấy, thời gian tới, cùng với việc rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật để lập lại thị trường phân bón của các cơ quan chức năng, bản thân người nông dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc chọn mua và sử dụng phân bón. Có như vậy, mới góp phần hạn chế những hậu quả do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra; mới mong có được những sản phẩm nông sản được xếp hạng trên thế giới.