Ớt Ariêu - sản vật đặc trưng của đồng bào Cơ Tu

Cây ớt Ariêu trở thành cây trồng chủ lực, giúp đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cải thiện cuộc sống.

Ớt Ariêu là cây đặc sản bản địa của người dân huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, có giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với cây ngô, sắn. Trước đây ớt mọc hoang trên đồi núi, nở rộ sau những trận mưa nguồn, chỉ sinh sản phát tán thông qua những loài chim ăn hạt (chủ yếu là chim chào mào). Qua những lần đi rẫy, đồng bào Cơ Tu hái về ăn, thấy mùi ớt thơm, ngon, bà con tìm giống về trồng và bán tại địa phương.

Thu hoạch ớt Ariêu

Thấy ớt có thu nhập, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đông Giang đã thành lập tổ hợp tác sản xuất ớt. Tổ hợp tác sản xuất ớt Ariêu Đông Giang thường xuyên tổ chức tập huấn, phổ biến, tuyên truyền về kỹ thuật trồng ớt cho đồng bào Cơ Tu trong xã cùng với những chế độ ưu đãi như hỗ trợ phân bón, kỹ thuật, kêu gọi bà con vào tổ hợp tác, tham gia trồng ớt.

Xã Mà Cooih, huyện Đông Giang có gần 150 hộ là đồng bào Cơ Tu tham gia trồng ớt Ariêu. Nhằm bảo tồn và phát triển cây ớt Ariêu, hàng năm, xã đã hỗ trợ kỹ thuật gieo, ươm cây giống và kỹ năng thu hoạch cho bà con. Mô hình triển khai đem lại hiệu quả cao nên xã Mà Cooih khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng ớt.

Hiện nay, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mà Cooih tổ chức canh tác, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thu hút 40 hộ tham gia trồng gần 10ha cây ớt Ariêu. Các hộ đồng bào Cơ Tu trồng ớt áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt để tránh lãng phí nước, tiết kiệm nhân công và khắc phục tình trạng ớt ra trái ít vào mùa nắng nóng, đặc biệt không sử dụng thuốc trừ sâu mà chỉ bón phân chuồng. Sản phẩm muối ớt Ariêu của hợp tác xã đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam. Đây là cơ hội để hợp tác xã được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của chương trình khuyến công nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chế biến tương ớt từ ớt Ariêu

Hiện nay, sản phẩm muối ớt Ariêu đã được xếp hạng OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Nam và đang trong quá trình nâng cấp lên 4 sao. Sản phẩm cũng được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền và trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh. Huyện Đông Giang đã có đề án quy hoạch lại vùng phát triển ớt Ariêu tập trung 10ha để đảm bảo sản xuất hàng hoá. Sắp tới, khi Khu du lịch cổng trời Đông Giang đưa vào hoạt động, ớt Ariêu sẽ là sản phẩm đặc trưng của huyện đưa vào để giới thiệu đến du khách.

Từ chỗ mọc tự nhiên dưới tán rừng, đến nay, đồng bào các huyện miền núi Quảng Nam đã mở rộng diện tích trồng cây ớt Ariêu. Đồng hành cùng với bà con, huyện Đông Giang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ vốn, giúp bà con mở rộng quy mô sản xuất, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ vốn xây dựng thương hiệu ớt A Riêu Đông Giang với diện tích trồng ớt hiện có hơn 6ha, chủ yếu ở các thôn A Bông, A Sờ, Azal của xã Mà Cooih.

Sản phẩm ớt Ariêu được nhiều người biết đến vì có mùi vị rất riêng của núi rừng. Đây là một trong những sản phẩm tiêu biểu được huyện Đông Giang lựa chọn đem đi giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm trên toàn quốc và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trung Hiếu
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận