Nồng nàn Tết quê

Tết quê có một nét riêng, rất đặc biệt - nơi đong đầy những kỷ niệm của hiện tại và quá khứ...

Ngày Tết ở quê bây giờ đã khác xưa rất nhiều, đơn giản hơn bởi, cuộc sống cơm áo gạo tiền không còn là mối lo thường trực, kinh tế khá giả nên hầu hết các hộ gia đình đều có trang thiết bị gia dụng để lưu trữ đồ ăn hay phục vụ nấu nướng. Cuộc sống văn minh cũng đã tác động phần nào đến tâm lý nên việc chuẩn bị, nấu nướng cũng đơn giản hơn. Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên việc thăm hỏi cũng khá hạn chế. Nhiều gia đình cũng không thể tụ họp đông đủ.

Những ngày trước Tết, không khí chộn rộn hẳn, ai cũng cố gắng hoàn tất nốt công việc còn dang dở và lo mua sắm các món đồ phục vụ Tết. Cánh đàn ông, con trai thì dựng cây nêu, mổ lợn, gói bánh chưng, gói giò, làm nem; tảo mộ. Đàn bà, con gái thì đi chợ mua trữ những thứ đủ dùng cho 3 -4 ngày Tết. Bánh chưng có khi trữ ăn đến rằm tháng Giêng.

Xưa, Tết thực sự là dịp mong chờ vì chỉ có Tết mới được ăn mặc cái áo, cái quần tươm tất hay được ăn những món ăn mà ngày thường chẳng bao giờ có. Hay được nghỉ làm việc để đi chơi, thăm thú anh em họ hàng, bạn bè, thầy cô. Với trẻ con, Tết còn được mừng tuổi nên đứa nào cũng háo hức.

Nhà ai có mảnh vải đẹp đều để dành, trước tết vài ba tháng, mẹ dẫn đám trẻ con đến nhà thợ may trong làng, đo đo, cắt cắt để có quần áo đúng dịp Tết mặc.

Ngày giáp Tết, các nhà chung nhau “đụng” một con lợn béo chia nhau. Phần mỡ để rán lấy nước dùng xào nấu và để dành. Phần lòng, dồi, xương xẩu thì cúng và ăn Tất niên. Một phần dùng để gói bánh chưng, làm nem, nấu thịt đông. Tuỳ từng điều kiện từng nhà mà làm nhiều món hay ít, nhưng những món không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết quê là bánh chưng, dưa hành, thịt đông, giò mỡ.

Nồng nàn Tết quê
Tục gói bánh chưng ngày Tết vẫn còn duy trì ở nhiều làng quê (Ảnh minh hoạ)

Đêm 30, các đền, miếu sáng đèn qua giao thừa dù mưa hay nắng. Chuông, trống gõ từng nhịp, khói hương nghi ngút. Các cụ bô lão tề tựu khấn tế cho một năm an lành; cánh đàn ông, trai tráng trong làng mang hương, mang đóm đi xin lửa thánh về nhà rồi xông đất, xông nhà luôn. Đường quê lấp loáng ánh lửa bập bùng. Trước đó, cả nhà ai cũng tắm bằng nước lá mùi già thơm phức với mong muốn gột rửa những điều phiền muộn, xui xẻo của năm cũ, đón chờ năm mới may mắn hơn.

Cuộc sống dù nghèo là vậy, nhưng nhà nào cũng phải cố mua dăm bảy bánh pháo (trước thời kỳ cấm pháo) để đốt đêm giao thừa và rải rác trong những ngày Tết. Khi đến nhà ai chúc Tết, khi vào cổng, khách cũng có thể đốt một phong pháo để chúc mừng. Đăc biệt đêm giao thừa, xung quanh làng nước pháo nổ rầm trời, mùi thơm phảng phất. Các cụ quan niệm đốt pháo để xua đuổi tà ma, những điều xui xẻo và mong một năm mới bình an, may mắn. Tiếng pháo nổ vẫn còn nằm nguyên trong ký ức nhiều thế hệ mỗi khi nhớ về.

Quê tôi có tục mừng thọ các cụ ông, cụ bà được tuổi 70. Ngày mồng 4 âm lịch, cả làng như mở hội, đến thăm nhau, chúc mừng. Con cháu trong gia đình, kéo nhau ra Đình làng làm lễ nhận khăn, áo, bằng ghi nhận của Hội người cao tuối rồi đón rước các cụ về mở tiệc ăn mừng.

​​​​​​Tết là dịp để con cháu gia đình sum vầy thực sự. Cả làng, cả xã giữ tục lệ mồng một tết Cha, mồng hai tết Mẹ, mồng 3 tết Thày. Nên ngày mồng một, anh em xa, hàng xóm ít ai sang nhà nhau vì sợ "dông" cả năm. Rác ngày mồng một cũng chỉ quét vào một góc nhà, góc sân rồi để đấy chứ không đổ đi.

Rồi đến nhà ai cũng phải ngồi vào mâm cơm, dù ăn ít, ăn nhiều, vì vậy có khi một ngày ăn cả chục bữa. Người ta ngồi uống với nhau chén rượu, ăn miếng bánh chưng, củ dưa hành… ôn cố tri tân.

Cuộc sống hiện đại giờ đây đã len lỏi đến từng ngõ xóm. Không khí Tết khác trước rất nhiều, mọi tục lệ cũng được đơn giản hoá thế, nhưng những người sinh ra từ làng vẫn mong trở về để được sum họp, được nhớ lại cái không khí nồng nàn của Tết quê.

Đ. Dũng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận