[WIDGET_ADS:::2255]
5/8 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn
Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Ninh Bình, tính đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh có 5/8 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 114 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, trong đó có 109/119 xã (chiếm 91,6%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 165/1.355 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.
![]() |
Ninh Bình xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn |
10 tháng đầu năm, các xã đã tiếp nhận 15.895 tấn xi măng, làm được 624 tuyến đường với tổng chiều dài 110,3 km. Đến nay, 114/119 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông. 100% xã đạt chuẩn yêu cầu tiêu chí Thủy lợi, tiêu chí Điện, tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và Thông tin và truyền thông. Trong đó, 117/119 xã đạt chuẩn tiêu chí Trường học, 115/119 xã đạt chuẩn tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa…
Hầu hết các địa phương chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, như tăng cường liên kết, xây dựng và nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao. Thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến để tăng giá trị sản phẩm; thực hiện đề án “Mỗi vùng có một sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình” (OCOP).
Phát triển mạnh công nghiệp và du lịch
Xác định phát triển công nghiệp ở nông thôn là đòn bẩy cần thiết và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và là động lực để xây dựng NTM, tỉnh đã tập trung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, đồng thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập, mở rộng 14/25 cụm công nghiệp với tổng diện tích 821,58 ha, thu hút 230 dự án đầu tư, trong đó có 91 dự án của doanh nghiệp và 128 dự án do các hộ sản xuất, tỷ lệ lấp đầy bình quân 70,8%. Đã có 5/7 khu công nghiệp đã xây dựng và đi vào hoạt động thu hút được 119 dự án, tỷ lệ lấp đầy đạt 96,6%.
Song song với phát triển công nghiệp, tỉnh Ninh Bình xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần tập trung phát triển du lịch đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, nâng tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong GRDP toàn tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu về xây dựng NTM của tỉnh Ninh Bình.
Trong đó, loại hình du lịch nông thôn đã xuất hiện khá sớm. Ngay từ năm 2005, một số hộ dân xã Gia Vân (Gia Viễn) đã kết hợp với doanh nghiệp tư nhân xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng địa phương quanh Khu sinh thái đất ngập nước Vân Long.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 160 hộ kinh doanh homestay tại huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô và 2 thành phố Ninh Bình và Tam Điệp. Các mô hình kinh doanh homestay bước đầu đã tạo được ấn tượng và sự trải nghiệm của khách du lịch.
Dù vậy, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tỉnh Ninh Bình thời gian qua còn nhiều hạn chế, nhiều xã, vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh có tiềm năng và ưu thế về du lịch nông thôn nhưng mức độ thu hút khách hiện vẫn còn thấp. Quy mô và hình thức chương trình, tuyến du lịch nông thôn còn đơn điệu, sản phẩm và đối tượng thị trường còn mờ nhạt. Để du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian tới tỉnh Ninh Bình sẽ quy hoạch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tại các địa phương, tránh việc tổ chức dàn trải, chồng chéo, phải có sản phẩm đặc thù, đặc hữu, tránh sản phẩm mang sự trùng lặp ở các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh lân cận.
Ông PHẠM QUANG NGỌC - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình: Các huyện, thành phố cần tiếp tục có kế hoạch nâng cấp các tiêu chí, để chương trình xây dựng NTM thực sự mang lại diện mạo mới cho mỗi vùng quê nông thôn. |