Những tỷ phú “ngủ” trong vườn

Trong khi người nông dân ở nhiều vùng trên cả nước vẫn phải chạy ăn từng bữa thì ở Cao Phong (Hòa Bình) nhờ trồng và phát triển cây cam theo đúng hướng, người nông dân đã có thu nhập hàng tỷ đồng/năm, vậy nên chuyện xây biệt thự, sắm xe hơi, dùng đồ hiệu... là chuyện rất đỗi bình thường với người dân nơi đây.
\"\"
Tại Cao Phong sẽ xây dựng 1 trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống cam chất lượng cao

Lái xe hơi đi làm vườn

Đến vùng cam Cao Phong (Hòa Bình) vào chiều muộn, song các hộ gia đình ở đây vẫn đóng cửa im ỉm, hỏi ra mới biết, giờ này hầu hết nhân công trong gia đình đều ở trong vườn cam. Ông Nguyễn Văn Tiến – đại gia cam ở khu 3, thị trấn Cao Phong cho biết, thời điểm này, (tháng 11), các gia đình ở Cao Phong đều ăn ngủ trên vườn, trên đồi cam để “hái tiền”.

Ông Tiến bảo “hái tiền” quả không sai, bởi hiện ở Cao Phong có gần có gần 200 hộ thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng và hàng chục hộ thu nhập từ 3 – 8 tỷ đồng nhờ trồng cam. Khoảng 3 năm trở lại đây, cam Cao Phong liên tiếp được mùa, được giá, nên đời sống người nông dân được cải thiện rất nhiều, hầu hết các gia đình ở đây đều sắm xe hơi hạng sang như: Fortuner; Cammy; Lexus… đi làm vườn. Chính vì lẽ đó, khi vào vụ cam, người người, nhà nhà ở Cao Phong đều ăn, ngủ cùng cam từ sáng tinh mơ, đến tối mờ để cắt, hái, lựa chọn cam theo đơn hàng.

Nói về đại gia cam ở đây có lẻ đếm cả ngày không xuể, điển hình như đại gia trẻ Bùi Việt Bách - người dân tộc Mường với hướng đầu tư đúng đắn, từ năm 2007 anh thu được 1 tỷ đồng từ cam. Đến nay, mỗi năm anh Bách thu nhập khoảng 5 tỷ đồng từ 9héc-ta cam của mình, tạo việc làm cho 40 lao động.

Anh Tuyên ở thị trấn Cao Phong cũng là một trong nhiều đại gia cam đình đám ở phố núi này. Anh cho biết: Với gần 10 héc-ta đang vào giai đoạn hoàng kim của cam (năm thứ 6 - 7) trung bình thu nhập khoảng 8 tỷ đồng, số còn lại khoảng 7 héc-ta thu thêm vài tỷ đồng nữa. Thu nhập khủng nên cơ ngơi của anh không khác gì những doanh nhân có máu mặt, từ xe hơi, đến nội thất, trang thiết bị trong gia đình đều dùng hàng hiệu, thậm chí trong nhà có cả bể bơi…

Phải biết phanh kịp thời

Theo UBND huyện Cao Phong, vùng đất Cao Phong – Hòa Bình từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng cam. Sau một thời gian dài lụn bại, từ năm 2000, cam Cao Phong đã trở thành thương hiệu quen thuộc trong nước nhờ thay đổi cách điều hành canh tác. Sự thay đổi đó đem lại bộ mặt mới cho vùng đất này.

Ông Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Toàn huyện hiện có khoảng 1.700 héc-ta cam, quýt; trong đó, khoảng 750 héc-ta trong thời kỳ kinh doanh; sản lượng năm 2015 dự kiến đạt trên 20.000 tấn. Định hướng đến năm 2017, toàn huyện Cao Phong sẽ duy trì diện tích cam 1.500 héc-ta (tăng 300 héc-ta so với hiện tại), sản lượng hàng năm đạt trên 20.000 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 500 tỷ đồng. Đặc biệt, 100% diện tích sản xuất cam Cao Phong đã được sản xuất theo hướng VietGap. Bình quân 1ha cam đem lại thu nhập từ 600 - 800 triệu đồng cho người dân địa phương. Cam Cao Phong cũng là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hoà Bình được cấp bằng Bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Ông Long chia sẻ, lợi nhuận khủng từ trồng cam, khiến nhà nhà, người người trồng cam sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu cam Cao Phong, vậy nên UBND huyện kiên quyết không mở rộng diện tích trồng cam Cao Phong ngoài vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đồng thời sẽ nghiên cứu xây dựng một trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống cam chất lượng cao tại Cao Phong.

Chia tay Cao Phong, vùng đất của những đại gia “ngủ trong vườn”, chúng tôi nhận ra rằng, Cao Phong chỉ là một trong nhiều vùng người dân làm giàu từ nông nghiệp trên cả nước, họ có thể trở thành triệu phú, thậm chí là tỷ phú chỉ sau một vụ thu hoạch. Song, để có thể kiếm được tiền tỷ từ nghề nông bắt buộc nông dân phải có đức tính chăm chỉ, sáng tạo, kiên trì, quá trình làm phải bài bản, đặc biệt, phải kết nối được với thị trường để lo đầu ra cho sản phẩm của mình.

Hy vọng, lên Cao Phong trong mùa cam năm 2016, con số “đại gia nông nghiệp” của vùng cam Cao Phong trù phú sẽ con tăng lên nhiều hơn nữa…

Để có nguồn giống tốt và sạch bệnh, tỉnh Hòa Bình đã liên kết chặt chẽ với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi  và một số cơ sở uy tín để cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật trồng cam. Đồng thời, đầu tư chất xám, hạ tầng, khoa học công nghệ để nâng cao năng lực của Trung tâm Giống cây trồng tỉnh.
Thúy Hà
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận