Trên cơ sở triển khai các Đề án 844, 939 và 1665 của Chính phủ và Chương trình công tác của Trung ương Đoàn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tỉnh Quảng Nam thành lập Tổ Công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Tổ công tác).
![]() |
Để định hình hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam, Tổ công tác đã chủ động hợp tác, giao lưu với các địa phương, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp |
Đây là mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo điển hình và duy nhất của cả nước trực tiếp có sự gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp trong hỗ trợ khởi nghiệp. Tổ công tác này cũng chịu trách nhiệm trực tiếp triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Phạm Ngọc Sinh - Tổ trưởng Tổ công tác - thành viên của Tổ là các công chức, viên chức, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tham gia với tinh thần tự nguyên, họ là những cán bộ mẫn cán, làm việc với nhiệt huyết. Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp mới được triển khai tại tỉnh Quảng Nam trong 2 năm, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một lĩnh vực khá mới mẻ đối với các công chức, viên chức, các doanh nghiệp truyền thống nên khi triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Tổ công tác đã gặp không ít khó khăn, nhưng luôn nỗ lực với tâm niệm “dò đá qua sông”, "cứ đi sẽ thành đường".
Tổ công tác đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 trên cơ sở tích hợp các đề án của Chính phủ và chương trình của Trung ương Đoàn. Sự tích hợp “độc nhất vô nhị” của Quảng Nam hiện nay, dù ban đầu còn khiến nhiều người “băn khoăn”, nhưng đáng mừng là đến nay đã cho những tín hiệu tích cực.
Sau tròn hai năm, Tổ công tác tỉnh Quảng Nam đưa sự cam kết của chính quyền, các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đến gần hơn với cộng đồng khởi nghiệp và, kể cả tham mưu cơ chế mới; ngược lại, kịp thời chuyển tải các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng startup đến với chính quyền địa phương; từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các startups hiện thực hóa ý tưởng. Ngoài ra, Tổ công tác còn đảm nhiệm nhiệm vụ kết nối các startups với các nhà đầu tư, hỗ trợ các startups kết nối với các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư,... - một thành tố quan trọng và cũng là một trở ngại lớn của xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Những nỗ lực của Tổ công tác để phát triển khởi nghiệp sáng tạo về từng huyện, đến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân đã dần cho những “trái ngọt”. Đến nay, cùng với CLB Đầu tư và khởi nghiệp, Quảng Nam thuộc hệ thống Câu lạc bộ đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam, tỉnh Quảng Nam đã thành lập 7 CLB cấp huyện và trường: Startup Hoi An Club, Startup Tam Ky Club, Startup Chu Lai Club, Startup Duy Xuyen Club, Startup Hiep Duc Club và CLB sinh viên KNST Đại học Quảng Nam, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh đã lần lượt ra đời, làm nhiệm vụ tập hợp và kết nối ý tưởng khởi nghiệp của các startup trên địa bàn tỉnh.
Các mô hình không gian làm việc chung - Coworkingspace tại Quảng Nam (100% xã hội hóa) lần lượt ra đời như Sharing Coffee - Cà phê chia sẻ (101 Cửa Đại - Hội An), hub Hoi An - Coworking in Hoi An (105 Lê Thánh Tông - Hội An), Coworkingspace in Tam Ky (45 Hùng Vương – thành phố Tam Kỳ), đang xúc tiến thành lập Coworkingspace in Duy Xuyen; không gian làm việc chung tại Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành - là không gian của tỉnh được đặt tại Đà Nẵng; đặc biệt, UBND tỉnh hỗ trợ, cho phép thành lập không gian làm việc chung Vina Startup thuộc Câu lạc bộ đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam gắn kết với trụ sở Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam tại đường Trần Phú - Tam Kỳ….
![]() |
Techfest Quảng Nam 2019 đã thực sự trở thành ngày hội của startup Quảng Nam |
Tổ công tác đã chủ động liên hệ và kết nối, ký kết 9 chương trình xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các địa phương khởi nghiệp hàng đầu của Việt Nam, góp phần liên kết, quy tụ nhiều nguồn lực, nhất là lực lượng chuyên gia khởi nghiệp,… Ngoài ra, Quảng Nam là địa phương thứ 3 trong cả nước kết nối với cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, cùng với các cơ quan báo đài lan tỏa và thôi thúc tinh thần khởi nghiệp rộng khắp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên, học sinh, sinh viên;…
Những ý tưởng dự án khởi nghiệp của tỉnh đã “thắng lớn” tại các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp cấp khu vực và quốc gia, như “Phở sắn Caromi”, “Đèn gỗ Hoian Lamp ứng dụng công nghệ CNC”, “Đèn Led chiếu sáng đô thị 3 cấp công suất”,…. do Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn tổ chức đều có bóng dáng của sự phát triển không gian làm việc chung và chương trình hợp tác.
Hiện, Tổ công tác Quảng Nam đang cùng các địa phương trong vùng miền Trung - Tây Nguyên khởi động Hệ sinh thái tại địa phương mình, như cách đây đúng một năm, với sáng kiến “Kết nối mạng lưới câu lạc bộ khởi nghiệp miền Trung - Tây Nguyên” của ông Sinh, hướng đến tạo lập Hệ sinh thái khởi nghiệp cho cả vùng.
Cũng với suy nghĩ kết hợp nguồn lực và cách làm hiệu quả, tỉnh Quảng Nam và Hội phụ nữ Việt Nam đã cùng tổ chức thành công “Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp miền Trung – Tây Nguyên 2019 và Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam lần thứ nhất – TechFest Quang Nam 2019.
Nhận định về hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - ông Vũ Tiến Lộc - cho rằng “Quảng Nam hướng vào thực chất của khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, chứng minh sự nhạy bén, sáng tạo”. Đó là sự dám nghĩ, dám làm và có phần “liều lĩnh” của Tổ công tác.