Những “di sản sống”

Có lẽ những người dân Nghĩa Lộ (Yên Bái)  chưa bao giờ nghĩ tới, có một ngày, điệu xòe Thái đất Mường Lò- thủ phủ của Nghĩa Lộ sẽ được phong tặng là Di sản phi vật thể cấp quốc gia… Những người lưu giữ xòe Thái Mường Lò đã thực sự là những “di sản sống” trong lòng di sản.
\"\"

Nghệ nhân xòe Mường Lò

Tính đến thời điểm hiện tại, nghệ sỹ xòe dân gian duy nhất ở Mường Lò được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Yên Bái phong tặng chính là chị Điêu Thị Xiêng- bản Đêu 1, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ). Nhưng, khi nói về xòe, chị gạt bỏ hết những “tước hiệu”, bỏ cả chức danh Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nghĩa An, mà thuần túy trở về đúng nghĩa của một “nàng Phùa”, một phụ nữ Thái đã sống với xòe gần trọn vẹn số tuổi mà chị có trên đời.

Theo chị Xiêng, xòe đối với người Thái là món ăn tinh thần không thể thiếu. Nhà có đám hỏi, đám cưới, đám mừng nhà mới, con vào đại học, buổi liên hoan trai bản đi nghĩa vụ quân sự, đám mừng cơm mới, những đêm hội mùa xuân…, đều xòe. Xòe không hạn chế số người, không kể thân sơ, giỏi xòe hay không khéo xòe… Vòng tròn xòe mở ra, mở ra nữa, chừng nào không còn sức thì mới nghỉ. Xòe, nhất là xòe của người Thái Mường Lò, không bao giờ phụ thuộc vào địa điểm, địa hình và sân khấu…

\"\"

5 tuổi, được theo mẹ đến các đám cưới hỏi trong bản, những sự kiện quan trọng của gia đình, người thân, cô bé Xiêng đã “ngấm” xòe vào trong người lúc nào không biết. Rồi, Xiêng trở thành họa mi của bản, là người hát hay, xòe khéo, biết và thuộc nhiều điệu múa xòe, làn điệu xòe. Chị trở thành “hạt nhân” của các đám xòe, từ thời thiếu nữ cho tới khi làm vợ, làm mẹ, làm bà nội, bà ngoại, tham gia công tác chính quyền và làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Với “nhiều vai trong một” ấy, người phụ nữ Thái Mường Lò đã trở thành một trong số ít những người lưu giữ, truyền dạy xòe cho các thế hệ kế tiếp.

Cả Mường Lò hiện có 48 đội xòe hạt nhân. Các bản làng, thôn xã đều có các đội xòe, với số lượng trên dưới 10 người/đội. Xòe được “phổ cập” từ lớp mẫu giáo, nghĩa là trong chương trình dạy múa hát cho các cháu có cả dạy xòe trong giáo án. Nói như thế để thấy rằng, xòe Thái được phong di sản, không chỉ là một tất yếu, mà đó là cả quá trình có sự chủ động của Yên Bái, của Nghĩa Lộ.

Nghĩa An, Nghĩa Sơn là hai “mô hình điểm” được Nghĩa Lộ “thử nghiệm” trong hai năm qua. Sau khi màn đại xòe với 2.013 diễn viên tham gia trong sự kiện “Tuần lễ Văn hóa du lịch Nghĩa Lộ- Mù Cang Chải năm 2013” để ghi danh Kỷ lục Việt Nam; ruộng bậc thang Mù Cang Chải đón nhận danh thắng, có thể coi hai “thử nghiệm” này của Nghĩa Lộ cũng là sự chuẩn bị cho xòe Mường Lò trở thành di sản.

 “Người canh giữ” di sản

83 tuổi- ông là “gã” Thái đen “ngông”, tài hoa bậc nhất Tây Bắc, ông chính là nghệ nhân Lò Văn Biến- được mệnh danh là người “gác cửa” di sản của người Thái Mường Lò. Nhà ông ở gần cuối bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ và quay ra cánh đồng Mường Lò. Nhiều người gọi ông là “báu vật”, “nghệ sỹ”, “người giữ lửa” hay một danh xưng rất trang trọng nào đó. Tôi thì nghĩ, cụ là người kiên nhẫn, bền bỉ và có phần… đơn độc, “gác cửa” cho cả một miền văn hóa của người Thái Mường Lò - trong đó, có di sản xòe Thái Mường Lò sắp được phong di sản.

Mường Lò là nơi cư ngụ đông đúc và lâu đời của người Thái đen, là đất tổ của người Thái với nhiều nét văn hóa độc đáo. Bên cạnh hệ thống ngôn ngữ, chữ viết, người Thái Mường Lò còn có nhiều lễ hội dân gian, nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu dân ca, dân vũ... đặc sắc, trong đó phải kể đến điệu múa xòe, đặc biệt là 6 điệu xòe cổ hay được gọi theo tiếng Thái là \"xé cáu ké\".

\"\"

\"Xé cáu ké\" bao gồm: Xòe vòng (xé vóng), vòng tròn vỗ tay (ỏm lọm tốp mư), tung khăn (nhôm khăn), bổ bốn (phá xí), tiến lùi (đổn hôn), nâng khăn mời rượu (khắm khăn mơi lảu). Nó là khởi nguồn cho 36 điệu xòe phổ thông được người Thái Mường Lò gìn giữ và lưu truyền. Những điệu xòe cổ chẳng khác nào một xã hội thu nhỏ, phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người Thái bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian. Cùng với những điệu khắp trữ tình, điệu khèn, điệu pí... thì 6 điệu xòe cổ ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên. Qua mỗi bước xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau, yêu người, yêu đời hơn.

Nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến đã dành hết cuộc đời để sưu tầm, biên soạn, hệ thống hóa 6 điệu xòe chủ đạo và trực tiếp truyền dạy lại cho thế hệ kế cận. Cũng thông qua vai trò cố vấn của ông Biến, Nghĩa Lộ đã xây dựng và thực hiện Đề án \"Nghiên cứu, bảo tồn, lưu truyền 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ- Mường Lò\". Hệ thống bài giảng bao gồm đĩa hình, tư liệu, cứ liệu, hiện vật về 6 điệu xòe cổ; sưu tầm dàn nhạc cụ và bảo tồn bản nhạc cổ để phục vụ xòe cổ; thành lập đội nghệ nhân nòng cốt bao gồm 8 thành viên là những người am hiểu về xòe cổ và được học từ nhà sưu tầm văn hóa dân tộc Thái- Lò Văn Biến. Trong số những học trò ấy, có cả nghệ sỹ dân gian xòe Điêu Thị Xiêng.

Dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn là người đứng ra lưu giữ, bảo tồn, mở lớp dạy chữ Thái cho đồng bào, cán bộ và những người yêu chữ Thái, văn hóa Thái. Cả Mường Lò đã quá quen thuộc với hình dáng một ông lão, tuổi đã cao nhưng đêm xòe nào, đội xòe nào cũng có mặt. Ông đến để thực hiện bổn phận “người gác cửa” cho di sản của dân tộc Thái Mường Lò nói riêng và di sản quốc gia nói chung.

Di Linh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận