![]() |
Cần xử lý nghiêm việc bơm tạp chất vào tôm |
Sử dụng chất cấm, kháng sinh giảm
Tại cuộc Họp báo thường kỳ về nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 và quý IV/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Việt - Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT - cho biết, qua lấy số liệu của 14 phòng thí nghiệm được Bộ chỉ định hàng tháng, trong tháng 7/2016, phát hiện 8 trường hợp sử dụng chất cấm Sabutamol (chất tạo nạc thịt lợn) ở Bình Dương, Bình Định và Hưng Yên; tháng 8, chỉ phát hiện 1 mẫu dương tính của một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Bình Định.
Riêng về dư lượng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, tính đến thời điểm hiện tại, đã giảm đi một cách rõ rệt bởi nguồn cấp kháng sinh ở gần 30 doanh nghiệp được phép nhập khẩu được khống chế. Thanh tra Bộ NN&PTNT đã tiến hành thanh tra trực tiếp đối với 30 công ty có vi phạm về nguyên liệu kháng sinh; xử lý 18 công ty với số tiền phạt 920 triệu đồng; củng cố hồ sơ và xác lập hành vi vi phạm đối với gần 200 đối tượng là các công ty sản xuất nhỏ, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, trang trại chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản… nằm rải rác ở các tỉnh miền Tây và TP. Hồ Chí Minh chuyển cho địa phương xử lý.
Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra phát hiện một số nhà máy thức ăn chăn nuôi có sử dụng hóa chất công nghiệp, đặc biệt là hoạt chất mới Systeamine nhằm mục đích kích thích tăng trưởng. Hoạt chất này không được Bộ NN&PTNT cho phép nhập, kinh doanh và sử dụng trong chăn nuôi. Ngày 25/3/2016, Cục Chăn nuôi cũng đã có Công văn số 350/CN-TĂCN gửi các sở NN&PTNT về việc tăng cường kiểm tra chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi, trong đó có chất Salbutamol, vàng ô và Systeamine.
Nỗi lo mới
Trong khi việc sử dụng chất cấm, kháng sinh cơ bản được khống chế thì vấn nạn bơm tạp chất vào tôm hay bơm nước vào gia súc lại trở thành vấn đề nổi cộm.
Ông Nguyễn Văn Việt cho hay, tình trạng bơm nước vào trâu, bò, lợn chủ yếu được các cơ sở vi phạm làm vào ban đêm nên khó phát hiện, hơn nữa, chế tài xử phạt rất nhẹ, chỉ 6 triệu đồng nên không đủ sức răn đe.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) - cho hay, NAFIQAD đã chủ trì, phối hợp với Cục An ninh kinh tế nông lâm ngư nghiệp (A86 - Bộ Công an) tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra đột xuất hoạt động bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu (từ ngày 26-28/7), tại Cà Mau (từ ngày 15-30/8). Kết quả, đã phát hiện, bắt quả tang việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại 2 tụ điểm tại Bạc Liêu, 1 tụ điểm và 2 doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Cà Mau. Tạp chất không chỉ được đưa vào tôm sú như trước đây mà cả tôm thẻ chân trắng kích cỡ nhỏ. Việc phát hiện vi phạm không chỉ tại các tụ điểm, đại lý thu gom mà cả tại doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Cũng theo ông Hào, hiện nay, các cơ sở vi phạm ngày càng có nhiều thủ đoạn đối phó hết sức tinh vi nhằm che giấu, gây khó khăn, cản trở cho lực lượng kiểm tra.
Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh kiểm tra hoạt động bơm tạp chất vào tôm, bơm nước vào trâu, bò và lợn, đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát chất cấm. |