Bà đánh giá như thế nào về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte và phái đoàn cấp cao của Vương quốc Hà Lan?
Ngoài tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai bên, một trong những kết quả quan trọng nhất đã đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Rutte tới Việt Nam là việc hai Thủ tướng đã ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác chuyển đổi nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, hai Thủ tướng đã chứng kiến việc ký kết bốn văn bản quan trọng thuộc các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Hà Lan: Hiệp định về hợp tác và hỗ trợ Hải quan; Tuyên bố chung về tăng tốc đối với vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và Việt Nam tham gia với tư cách là quốc gia triệu tập trong Ủy ban Thích ứng với BĐKH toàn cầu; Ý định thư về việc Mở khóa tiềm năng đất đai cho nông nghiệp và an ninh lương thực bền vững; và Ý định thư trong lĩnh vực Đăng ký và Quản lý thông tin đất đai nhằm hợp nhất đất đai với mục tiêu mở rộng hơn nữa tiềm năng nguồn tài nguyên này tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp bền vững.
![]() |
Bà Cora van Nieuwenhuizen - Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan |
Đoàn đại biểu của chúng tôi bao gồm 70 công ty với một lịch trình vô cùng bận rộn. Đây là một chuyến đi rất thú vị, đặc biệt là nhờ lòng hiếu khách mà chúng tôi nhận được từ Việt Nam. Ở mỗi thành phố, tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân xã hội, nhà nghiên cứu, quan chức Chính phủ và các thành viên đến từ cộng đồng đến từ Hà Lan và Việt Nam. Mục đích của chuyến công du này là thiết lập các mối quan hệ mới, chia sẻ kiến thức và chuyên môn, và lập các kế hoạch thú vị cho tương lai.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều thoả thuận (MOU) và hợp đồng hợp tác đã được ký kết trong các lĩnh vực năng lượng gió, nông nghiệp công nghệ cao, tái chế, quản lý nguồn nước… góp phần tăng cường mối quan hệ lâu đời giữa hai nước.
Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức về vấn đề hạ tầng, đặc biệt tại các thành phố lớn. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan - đất nước phát triển và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bà nhận thấy có những khả năng nào để hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong vấn đề trên?
Chúng tôi đã đến và làm việc tại 4 thành phố lớn của Việt Nam: Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều cơ hội về hợp tác công - tư tại đây, đặc biệt là trong các lĩnh vực tái chế. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, theo thống kê cứ 4 năm là dân số tăng thêm 1 triệu người thì việc quản lý và tái sử dụng nguồn nước là vấn đề rất cấp thiết trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc ký kết 12 bản thoả thuận và hợp đồng giữa Hà Lan - Việt Nam (trong buổi tối ngày 11/4/2019 - PV) cũng cho thấy triển vọng hợp tác trong tương lai giữa hai quốc gia là rất lớn.
Bà có thể chia sẻ thêm về Hợp tác chuyển đổi nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long mà Thủ tướng hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ, sẽ được cụ thể hoá như thế nào?
Theo Bộ nông nghiệp, chúng tôi sẽ bắt đầu với nuôi tôm và sản xuất trái cây. Sau đó có thể chuyển sang các loại thuỷ sản khác. Hiện khoảng 40% sản lượng nông nghiệp không đến được người tiêu dùng do thất thoát trong nhiều khâu thuộc chuỗi cung ứng. Vì vậy sẽ có một số dự án trong toàn bộ chuỗi cung ứng bằng cách quản lý, logistis, lưu trữ kho... tốt hơn, giảm thiểu lượng thất thoát.
Xin cảm ơn bà!