![]() |
Hội đua voi là một trong những nội dung hấp dẫn tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI |
Lễ hội cà phê lần này có quy mô hoành tráng hơn so với những lần tổ chức trước, với nhiều chương trình lễ hội hấp dẫn nhờ có sự lồng ghép cả Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.
Theo đề án tổ chức, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 vừa được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt thì có tổng cộng 13 chương trình diễn ra trong suốt 6 ngày lễ hội.
Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - phát huy bản sắc - liên kết phát triển”, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 bao gồm các sự kiện chính: Lễ khai mạc, bế mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 diễn ra vào lúc 20h ngày 10/3/2017; Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê, thời gian từ ngày 8-13/3/2017; Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên năm 2017 diễn ra ngày 11/3/2017; Đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên lúc 20h ngày 11/3/2017; Phục dựng các nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng diễn ra trong thời gian từ ngày 11-12/3/2017; Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên từ ngày 10-13/3/2017; Triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” từ ngày 8-13/3/2017; Hành trình di sản giới thiệu những tour du lịch mới của tỉnh Đắk Lắk bắt đầu từ tháng 11/2016; Hội thảo về phát triển ngành cà phê diễn ra ngày 12/3/2017; Lễ hội đường phố sẽ diễn ra lúc 15h ngày 10/3/2017; Chung kết Hội thi Nhà nông đua tài chuyên đề về cà phê ngày 12/3/2017; Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc trên hồ Lắk khai mạc vào lúc 9h ngày 12/3/2017 và Chương trình thưởng thức cà phê miễn phí diễn ra trong suốt thời gian tổ chức lễ hội tại các tuyến phố của Buôn Ma Thuột.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 nhằm mục đích nâng cao giá trị ngành cà phê đối với người sản xuất và kinh doanh cà phê của tỉnh Đắk Lắk cũng như trên cả nước. Qua đó, khẳng định vị thế cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới; Nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” năm 2005, được chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2008.
Đây cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá, đánh thức tiềm năng du lịch gắn với yếu tố lịch sử, giàu bản sắc văn hóa của vùng đất Tây Nguyên; lan tỏa, nhân rộng những giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong cộng đồng và xã hội; nâng cao ý thức tôn trọng di sản được UNESCO công nhận; góp phần bảo vệ, phục dựng và phát huy các lễ hội, nghi thức diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên.