Nhập siêu giảm dần

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương, sau 7 tháng đầu năm, tình hình nhập siêu đang dần được kiểm soát. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK), đặc biệt là XK nhóm hàng nông - lâm - thủy sản đang rõ nét những dấu hiệu phục hồi.

\"\"

Mặt hàng thủy sản cũng đang dần dần phục hồi

Tin vui cho nhóm hàng nông sản

Bộ Công Thương ước tính, KNXK tháng 7 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với tháng 7/2014. Tính chung 7 tháng, KNXK cả nước đạt 92,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, KNXK của các DN trong nước đạt 27,6 tỷ USD, chiếm 29,9%; DN có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 64,7 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng KNXK cả nước, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu  (Bộ Công Thương) - cho biết, ngoài việc KNXK đang dần phục hồi, tin vui là trong tháng 7, KNXK nhóm hàng nông - lâm - thủy sản đã khá hơn so với tháng 6, đặc biệt là những nhóm hàng quan trọng của nước ta như gạo, thủy sản…

Cụ thể, sau 7 tháng, ta đã XK được 3,7 triệu tấn gạo. Đây là số lượng tương đối khả quan, đặc biệt trong hoàn cảnh XK gạo đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. KNXK gạo qua đường tiểu ngạch cũng giảm khá nhanh sau 7 tháng. Đặc biệt, phía Philippines đang dự kiến mở thầu 300 nghìn tấn gạo. Nếu may mắn trúng thầu, đây sẽ là đơn hàng khá lớn của nước ta sau đơn hàng 250 nghìn tấn gạo ta vừa trúng vào tháng 6 vừa qua tại thị trường này.

Ông Phan Văn Chinh chia sẻ: “Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng gạo, Bộ Công Thương đang xây dựng phương án xúc tiến thương mại tại các địa phương và DN cụ thể chứ không chỉ trông vào các Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia. Thị trường thực hiện xúc tiến thương mại là Trung Quốc, châu Phi, châu Mỹ…

Mặt hàng thủy sản cũng đang dần rõ nét những dấu hiệu phục hồi. Đơn cử như mặt hàng tôm, sau khi giảm sút kim ngạch trong nhiều tháng do bị cạnh tranh với tôm của Ấn Độ thì đến tháng 6 và 7 đã tăng trưởng trở lại. KNXK thủy sản trong tháng 7 dự kiến tăng khoảng 5,9% so với tháng 6.

Nhập siêu được kiểm soát

Cũng theo Bộ Công Thương, KNNK tháng 7 ước đạt 14,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm, KNNK ước đạt 95,6 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, nhập siêu tháng 7 ước đạt 300 triệu USD, bằng 2,1% KNXK. Tính chung 7 tháng, nhập siêu đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 3,7% KNXK. Trong đó, DN trong nước nhập siêu 11,4 tỷ USD. Các DN nước ngoài xuất siêu 25,7 tỷ USD.

Sau những tháng đầu năm nhập siêu tăng cao, gần đạt con số chỉ tiêu được Quốc hội giao (6 tháng đạt 3,75 tỷ USD, bằng 4,8% KNXK) thì sau 7 tháng, tình hình nhập siêu đang giảm dần. Nhập siêu được kiểm soát do đã làm khá tốt việc kiềm chế nhập khẩu. Ông Phan Văn Chinh cho hay, nhóm hàng tiêu dùng là nhóm được tập trung các giải pháp kiểm soát nhập khẩu chỉ tăng 5% sau 7 tháng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã và đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm hạn chế nhập khẩu mặt hàng ôtô từ Trung Quốc sao cho phù hợp với tình hình sản xuất trong nước.

Ông Phan Văn Chinh khẳng định: “KNXK muốn tăng trưởng 10% so với năm 2014 thì mỗi tháng, KNXK phải đạt trung bình 13,5 tỷ USD. Với KNXK như hiện nay, dự kiến, con số này có thể đạt được do nguồn hàng chuẩn bị cho XK tương đối ổn định. Bên cạnh đó, theo quy luật thông thường, KNXK 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 42 - 44% kế hoạch năm. Riêng 6 tháng đầu năm nay, KNXK đã đạt 47% kế hoạch. Với việc đơn hàng sẽ tăng mạnh vào cuối năm, nhập khẩu dự kiến cũng không có nhiều biến động,  mục tiêu tăng trưởng XK 10% và nhập siêu dưới 5% KNXK là việc hoàn toàn có thể đạt được”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:

Những tháng cuối năm, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường; tuyên truyền về các FTA đã được ký kết; giải quyết khó khăn cho các hiệp hội, ngành hàng; kiểm soát tốt NK các mặt hàng không khuyến khích… nhằm quyết tâm đạt mục tiêu đã được Quốc hội giao là tăng trưởng XK 10% và nhập siêu dưới 5% KNXK.

Phương Lan
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận