Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, sinh năm 1942, ở làng Khoái Nội, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội), nơi có nghề thêu ren nổi tiếng hàng trăm năm nay. Ngay từ nhỏ, ông đã được sống trong không gian rực rỡ sắc màu của tranh thêu, từ đó nuôi dưỡng lòng yêu nghề, say nghề mà “bám” nghề suốt cả cuộc đời.
![]() |
Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, sinh năm 1942, ở làng Khoái Nội, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội) |
Năm 16 tuổi, Nguyễn Quốc Sự là người trẻ nhất được nhận vào làm tại Hợp tác xã (HTX) thêu Hợp Tiến trên địa bàn xã, phụ trách kỹ thuật của HTX.
Chỉ với cây kim nhỏ bé và những sợi chỉ mảnh mai, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã làm nên những bức tranh sống động, mềm mại tự nhiên, có sức hấp dẫn làm lay động lòng người. Các đề tài phong phú và đa dạng trong cuộc sống đều được ông phản ánh chân thực thông qua những bức tranh thêu tay với đường nét tinh tế, từ cảnh vật đến con người. Nhưng phải ngắm tranh thêu chân dung của Nguyễn Quốc Sự mới thấy hết được sự tài hoa, điêu luyện của bậc nghệ nhân. Chính ông cũng tâm sự, tranh chân dung đòi hỏi kỹ năng nhiều nhất, tốn nhiều công sức và khiến ông trăn trở nhất. Thêu chân dung là phải giữ được cái hồn, cái thần.
![]() |
Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự năm nay đã gần 80 tuổi |
Tác phẩm tâm đắc và ghi dấu ấn sâu đậm nhất của lão nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự là bức tranh thêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bắt nguồn từ câu chuyện cố Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm xã Quất Động vào năm 1972 và rất thích những bức tranh thêu thủ công, nhưng thời điểm đó làng chưa có tranh thêu chân dung Bác Hồ. Được Tổng Bí thư động viên, khích lệ, Nguyễn Quốc Sự ấp ủ quyết tâm, theo học hội họa tại Trường Mỹ nghệ Hà Tây, sau khi tốt nghiệp đã khéo léo kết hợp kiến thức hội họa và kỹ thuật thêu tay truyền thống để thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính ông cũng bất ngờ, bức tranh đầu tay thêu chân dung Bác Hồ đã thành công ngoài mong đợi. Từ khóe mắt, nụ cười đến chòm râu của Bác được khắc họa vô cùng tỉ mỉ, chân thực không khác một bức ảnh chụp. Đặc biệt, thần thái của Bác được thể hiện một cách sống động mà ít nghệ nhân làm được. Qua hơn 40 năm, đến nay bức tranh thêu ấy vẫn được treo trang trọng trong nhà nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự như một kỷ vật để đời.
![]() |
Những bức tranh thêu tay của Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự |
Nghệ nhân chia sẻ, để thêu được bức chân dung Bác Hồ, ông mất thời gian gần một năm, thậm chí khi ngủ cũng trăn trở về từng đường nét trên khuôn mặt Bác. Để thêu được tác phẩm này, người thợ còn cần đến lòng kính trọng, lòng yêu nghề.
Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự cho biết, nghề thêu truyền thần là phải làm kỳ công, cho thật đúng và trúng, nếu không thì thành bỏ đi. Làm tranh thêu tay không phải khó, nhưng làm ra bức tranh có hồn thì không đơn giản.
Lão nghệ nhân tâm niệm, không chỉ tranh chân dung mà tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật đều phải có thần. Người thợ phải say nghề, giàu đam mê mới có thể làm được điều đó. “Người thêu tranh cũng giống như họa sĩ, nhà văn… cần tỉ mỉ trau chuốt và đòi hỏi tính sáng tạo, như vậy mới tạo ra được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực” – Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự chia sẻ.
Các tác phẩm tranh thêu của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó được ưa chuộng nhất là tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cùng với dòng chảy của thời gian, nghề thêu tranh không còn hưng thịnh như xưa những vẫn luôn còn đó, tồn tại như một nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ, lưu giữ “hồn Việt”. Lão nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn không ngừng lao động, sáng tạo với công việc thêu tay, đồng thời truyền nghề cho thế hệ sau như cách ông đã làm hàng chục năm nay. Ông chia sẻ, nhiều học trò của ông đã thành danh trở thành những nghệ nhân có tiếng. Đó là niềm tự hào của ông. Vậy nhưng, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người nghệ nhân tâm huyết đó là ông đã truyền lửa cho tất cả 5 người con con của mình, hiện cả đại gia đình nghệ nhân đang chung sức, chung lòng đưa nghề thêu truyền thống quê hương tiếp tục vươn xa.