Gắn bó với nghề mộc từ khi còn nhỏ, nghệ nhân Đỗ Văn Phúc đã có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu và lĩnh hội tinh hoa của nghề từ những người thợ có tay nghề cao tại địa phương. Mấy chục năm làm nghề là cả quãng thời gian ông trải nghiệm từng đường cưa nét đục để có thể làm ra những ngôi nhà gỗ vừa lưu giữ tinh hoa văn hóa Việt vừa phù hợp với xu thế thời đại.
![]() |
Nghệ nhân Đỗ Văn Phúc bên công trình |
Những ngôi nhà cổ mang nét văn hóa của từng vùng miền trên cả nước, làm bằng nhiều loại gỗ khác nhau, chủ yếu là gỗ lim, gỗ mít. Tùy theo kiến trúc nhà mà hoa văn có thể nhiều hay ít. Làm nhà gỗ không đơn giản như xây nhà mái bằng, công việc đòi hỏi sự am hiểu phong thủy và sự tỷ mỉ, khéo léo, đặc biệt là tay mực thước của người thợ. Bởi, một ngôi nhà cổ không chỉ đảm bảo kiến trúc, thẩm mỹ mà còn chứa đựng hồn cốt, nét văn hóa truyền thống xưa. Vì thế, trong hàng chục năm làm nghề, nghệ nhân Đỗ Văn Phúc đã lặn lội tìm đến rất nhiều địa phương, gặp các nhà văn hóa để tìm hiểu về văn hóa, di tích lịch sử đặc biệt ở các làng cổ từng vùng miền.
Kỹ thuật chạm khắc, điêu khắc, ý tưởng độc đáo của nghệ nhân Đỗ Văn Phúc không chỉ thể hiện trong việc tạo dựng các nhà gỗ cổ truyền thống của từng thời kỳ mà còn làm mới nhiều công trình và phục chế các di tích lịch sử: Đình, chùa đã được xếp hạng cấp quốc gia.
Hơn 30 năm tâm huyết với nghề làm nhà gỗ cổ, có hàng trăm công trình lớn nhỏ được tạo dựng dưới đôi bàn tay tài hoa và trí nghệ thuật bay bổng của nghệ nhân Đỗ Văn Phúc. Những công trình tiêu biểu có dấu ấn của nghệ nhân Đỗ Văn Phúc phải kể đến: Di tích lịch sử quốc gia nhà thờ tướng công Thiều Thốn (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), Di tích lịch sử quốc gia nhà tổ Chùa Bảo Phúc (huyện Hoài Đức, Hà Nội), Chùa Mỹ Hoa (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng)… Tuy nhiên, cho đến nay, ông vẫn luôn tâm niệm, phải tự mình trau dồi, nâng cao tay nghề, cũng như cố gắng giữ lửa và phát huy nghề truyền thống.
Vì vậy, từ khi còn còn trẻ ông đã dành nhiều thời gian, công sức cho việc đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Với sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của ông nhiều thanh niên địa phương và vùng lân cận đã có nghề. Trong số đó, nhiều người đã trở thành thợ giỏi, lành nghề, có khả năng mở cơ sở sản xuất riêng hoặc tiếp tục làm việc tại cơ sở sản xuất của ông.
Nghệ nhân Đỗ Văn Phúc tâm sự: Lưu giữ những tinh hoa của cha ông để lại là thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với thế hệ đi trước đã tạo ra những sản phẩm có giá trị cả về vật chất và tinh thần cho thế hệ sau.
Với những cống hiến của mình, nghệ nhân Đỗ Văn Phúc đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các ban ngành. Tuy nhiên, với ông, phía sau những sự vinh danh ấy vẫn là một người thợ mộc mạc, yêu những đường cưa, lưỡi đục, luôn tâm niệm làm nghề bằng cái tâm sáng, bằng tấm lòng trân trọng giá trị truyền thống ông cha để lại.
Nghệ nhân Đỗ Văn Phúc: Người dựng nhà kiến trúc cổ phải là người có trình độ, biết cách tạo hình, kỹ thuật. Quan trọng hơn phải là người thợ có tâm để làm mọi việc cẩn thận, từ khâu chọn gỗ đến lúc dựng nhà. |