Nghị định 67 ra đời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Sau thời gian nỗ lực với những chỉ đạo quyết liệt, toàn tỉnh đã có 104 chủ tàu được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Các tàu 67 đánh bắt gồm các nghề sau: Nghề chụp mực 31 tàu; nghề lưới rê 7 tàu; nghề lưới vây 28 tàu; nghề dịch vụ hậu cần 2 tàu; nghề khai thác thủy sản kiêm dịch vụ hậu cần 31 tàu; nghề dịch vụ hậu cần kiêm khai thác thủy sản 5 tàu.
![]() |
Cơ sở đóng tàu 67 ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu. |
Theo Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An, sau gần 5 năm cho vay đóng tàu xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, các ngân hàng thương mại ở Nghệ An đang phải đối mặt với hơn 163 tỷ đồng nợ xấu.
Nghệ An là tỉnh có số tàu được các ngân hàng tài trợ nhiều thứ 3 của cả nước với 104 tàu được vay vốn để đóng mới, nâng cấp, doanh số cho vay gần 860 tỷ đồng. Trong đó: Thị xã Hoàng Mai 41 tàu, các huyện Quỳnh Lưu 52 tàu, Diễn Châu 4, Nghi Lộc 3, Cửa Lò 4 tàu.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai, hết thời gian gia hạn nhưng cho đến nay, ngày càng có nhiều chủ tàu không thực hiện đúng các cam kết về trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng, không thực hiện mua bảo hiểm vật chất thân tàu theo thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng tín dụng.
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Lập, qua rà soát cho thấy, các tàu khai thác được đóng mới theo Nghị định 67 đều có chất lượng tốt, không gặp sự cố gì trong quá trình hoạt động trên biển. Tất cả hoạt động đều hiệu quả khá và đều có lãi.
Mặc dù được đánh giá mang lại lợi nhuận, thế nhưng, theo thống kê của các ngân hàng thương mại đang ký hợp đồng cho vay với các chủ tàu phát sinh nợ xấu, tổng số nợ xấu, nợ quá hạn tính đến thời điểm hiện tại: trong số 104 tàu được các ngân hàng tài trợ cho vay vốn có 81 tàu đã đến thời hạn trả nợ ngân hàng, trong đó có 40 chủ tàu vay vốn tại 7 chi nhánh ngân hàng chưa trả được nợ đến hạn, số nợ gốc và lãi là 28,9 tỷ đồng; Có 20 chủ tàu chây ỳ chưa trả nợ, nợ xấu lên đến 163,2 tỷ đồng trong tổng số 774 tỷ đồng dư nợ (chiếm 20,2%).
![]() |
Ngư dân chuẩn bị vươn khơi trên những con tàu 67 |
Theo các ngân hàng, việc thu hồi nợ đang gặp rất nhiều khó khăn, tạo tiền lệ xấu trong cho vay theo nghị định.
Có nhiều nguyên nhân khiến công tác thu hồi nợ đang bế tắc, đặc biệt là trong việc áp dụng các chế tài xử lý đối với các trường hợp chủ tàu chây ì, không hợp tác trả nợ. Đây không phải là vấn đề riêng của một ngân hàng mà là thực trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước, đòi hỏi giải pháp xử lý quyết liệt.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An: Để hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc thu hồi nợ đối với các khoản vay theo Nghị định 67, nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ tàu trong việc chấp hành nghiêm túc thời hạn hợp đồng tín dụng để được hưởng ưu đãi lãi suất của nhà nước, ngày 11/4/2019, UBND tỉnh đã có Công văn số 2375/UBND-NN, đề nghị Sở NN&PTNT, các địa phương, tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ỳ, không hợp tác.
Trong trường hợp phát hiện các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi cá nhân, các hành vi vi phạm pháp luật, làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước, cần kịp thời xử lý theo đúng quy định của pháp luật.