![]() |
Chợ truyền thống giảm sức mua
Nhiều năm qua, các khu chợ truyền thống tại Nghệ An không được nâng cấp, sửa chữa. Phần lớn hệ thống hạ tầng của các chợ: Quang Trung, Quán Lau, Đại Học Vinh; Ga Vinh đều bị hư hỏng nặng. Ghi nhận tình hình kinh doanh tại các chợ ở TP. Vinh cho thấy, các sạp hàng thưa thớt người mua. Đặc biệt là sau 10 giờ sáng, hầu hết các chợ đều rơi vào tình trạng ế ẩm. Một tiểu thương bán vải tại chợ Ga Vinh cho biết, mấy năm gần đây, lượng khách giảm mạnh. Nguyên nhân một phần do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, khách hàng có thêm lựa chọn mua sắm online; mặt khác do chợ xuống cấp nên người tiêu dùng cũng “ngại” vào chợ. Ðại diện Ban Quản lý Ga Vinh nhận định, sức mua tại chợ giảm 30 - 40%. Theo đó, đã có nhiều sạp xin trả lại mặt bằng.
Thừa nhận tình trạng này, đại diện Sở Công Thương Nghệ An cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 405 chợ truyền thống đang hoạt động. Trong đó, khoảng 34% chợ đảm bảo hoạt động tốt, còn lại các chợ đều đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Nhiều tiểu thương buộc phải đóng cửa, trả mặt bằng do sức mua tại các chợ sụt giảm.
Siêu thị, cửa hàng tiện lợi lên ngôi
Ngược lại với chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) lại mọc lên ngày càng nhiều và được người tiêu dùng ưa chuộng do mức độ tiện lợi, sạch đẹp.
Ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - loại hình này đang phát triển nhanh chóng tại các khu dân cư, chung cư, khu công nghiệp nhằm góp phần phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Hiện, trên địa bàn có 44 siêu thị, 5 TTTM. Các kênh bán lẻ hiện đại này thường có nhiều chương trình khuyến mãi nên hấp dẫn người tiêu dùng.
Theo nhận định của các chuyên gia, dù tình hình kinh tế Việt Nam còn khó khăn nhưng thị trường bán lẻ vẫn rất tiềm năng do tổng giá trị hàng hóa phân phối qua kênh bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm trên 20% tổng giá trị của thị trường. Chính vì vậy, các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn đang đầu tư mạnh vào Việt Nam. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng sức cạnh tranh mà còn giúp người tiêu dùng hưởng lợi. Bởi các siêu thị, cửa hàng tiện lợi muốn phát triển mạnh thì phải khai thác các nguồn hàng và đặt hàng nhà sản xuất. Điều này tạo cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước, nhất là hàng nông sản, thực phẩm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lo ngại, khi hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh thì các cửa hàng truyền thống ngày càng điêu đứng do chịu sự cạnh tranh mạnh. Chính vì vậy, thời gian qua UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Sở Công Thương đề ra các giải pháp quản lý hệ thống thương mại trên địa bàn, nâng cấp hệ thống thương mại từ nay đến năm 2020. Đồng thời, lên kế hoạch xây dựng thương hiệu chợ an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như đưa hàng sản xuất trong nước có thương hiệu uy tín vào chợ truyền thống, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sắm tại chợ.