Nghệ An: Đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp

Đề án Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) - làng nghề tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2009-2015 là một chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

\"\"

Sản xuất tại Cơ sở Đúc đồng Nguyễn Thượng Sách

Qua 7 năm thực hiện, đã có 50.506 học viên được đào tạo, đạt 84% so với  mục tiêu đề án, hơn 85% học viên sau khi học nghề đã có việc làm và tự tạo việc làm ổn định tại các làng nghề, làng có nghề, hợp tác xã và doanh nghiệp (DN) nhỏ.

Từ năm 2016 - 2020, tỉnh Nghệ An phấn đấu đào tạo, truyền nghề lĩnh vực TTCN cho 50.000 học viên, bình quân mỗi năm đào tạo 10.000 học viên. Cùng với đó, lực lượng lao động sau khi tốt nghiệp các trường trung cấp nghề đạt 90% trở lên và lao động qua các lớp đào tạo, truyền nghề đạt 100% có việc làm và thu nhập ổn định tại các khu công nghiệp, làng nghề, hợp tác xã... Việc đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu bảo tồn phát huy nghề TTCN truyền thống, du nhập nghề mới và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng làng nghề phục vụ CNH-HĐH nông  nghiệp nông thôn.

Để thực hiện mục tiêu trên, bên cạnh tiếp tục đào tạo 9 nghề: mây tre đan, dệt thổ cẩm, thêu ren, ươm tơ, kéo sợi, may dân dụng công nghiệp, mộc dân dụng và mỹ nghệ, điêu khắc đá mỹ nghệ, chế biến nông - lâm - thủy sản, gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh, tỉnh phát triển các nghề mới như: sản xuất hương, kết chổi, kỹ thuật và cơ khí nông nghiệp, đóng và sửa chữa tàu thuyền… Xác định cơ cấu ngành nghề đào tạo, tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở đào tạo nghề lĩnh vực TTCN. Phát huy mối liên kết giữa DN, hợp tác xã, làng nghề với các tổ chức đoàn thể để vừa đào tạo nghề vừa sản xuất. Tăng cường gắn kết, ký kết các hợp đồng đào tạo giữa cơ sở đào tạo với DN, các khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí việc làm sau đào tạo cho người lao động.

Trong quy hoạch phát triển mạng lưới đào tạo nghề, Nghệ An chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề TTCN- làng nghề. Các cơ sở dạy nghề xây dựng giáo trình giảng dạy, truyền nghề vừa bảo đảm quy định về giáo án, chương trình, cơ cấu lý thuyết và thực hành vừa phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực, ngành nghề. Tỉnh tổ chức đào tạo nghề với 3 cấp độ: truyền nghề, phổ cập nghề; học nghề tập trung, ngắn hạn; nâng cao tay nghề. Ngoài ra, khuyến khích hình thức truyền nghề trực tiếp của nghệ  nhân, thợ lành nghề trong phương thức vừa học lý thuyết vừa thực hành kỹ thuật, tiến tới xây dựng và ban hành giáo trình thống nhất trong lĩnh vực đào tạo nghề cấp tỉnh.

Trên cơ sở yêu cầu thực tế phát triển ngành nghề nông thôn, tỉnh tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho người lao động nông thôn học nghề gắn với giải quyết việc làm, phát triển TTCN và xây dựng làng nghề. Hỗ trợ kịp thời, đầy đủ các chính sách học nghề cho các đối tượng đặc thù, các hợp tác, DN trong khu công nghiệp tổ chức sản xuất - kinh doanh và tuyển dụng lao động. Đồng thời, thực hiện chính sách tín dụng cho DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh và người lao động vay vốn để giải quyết việc làm.

Tuy nhiên, hiệu quả việc làm sau đào tạo một số nghề ở tỉnh chưa cao. Hiện vẫn còn tình trạng một số lao động nông thôn sau học nghề không tạo được việc làm hoặc việc làm chưa bền vững, thu nhập chưa ổn định, đặc biệt là các huyện miền núi như Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Một số sản phẩm của các làng nghề gặp khó khăn trong tiêu thụ  như mây tre đan, dệt thổ cẩm. 

Hoàng Trinh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận