Tiện lợi, chỉ một cú nhấp chuột, nhiều bà nội trợ nhất là giới văn phòng đã dần quen với chợ ‘online’ và quẹt thẻ. Lướt thực đơn của các cửa hàng online, đầy đủ các sét đồ ăn cho một bữa cơm gia đình vừa đủ cả chất và lượng như: gà, lợn, bò nấu sẵn, canh măng, giò chả, rau dưa rửa sạch cho vào từng sét sạch với mức giá đa dạng giao động từ 50.000- 150.000 đồng/ sét sẽ tẩm ướp đầy đủ vừa hợp vệ sinh.
![]() |
Những set đồ ăn sẵn lên kệ chuẩn bị ship tới tận tay người tiêu dùng |
Chị Nguyễn Thu Nga (chung cư Tràng An- Vinh Tân- TP. Vinh) cho biết: “Trước đây cứ mỗi cuối tuần tôi đều đến siêu thị gần nhà để mua sắm và cho bé chơi các trò chơi trong siêu thị. Nhưng từ ngày có dịch Covid-19, tôi không đi siêu thị mua sắm thường xuyên, mà chuyển sang mua online là chính”.
“Thay vì phải đến siêu thị, chưa kể phải chờ đợi khá lâu khi thanh toán thì tôi có thể ngồi tại nhà hoặc bất cứ ở đâu cũng có thể đi chợ. Mua bất cứ thứ gì để phục vụ bữa ăn gia đình chỉ thêm phí ship là 10.000 đồng/ đơn hàng" - Chị Nga chia sẻ.
Chị Nguyễn Thu Hiền (Hưng Phúc, TP. Vinh) cho biết, trước đây, vì bận rộn công việc tôi đã thường xuyên dùng các ứng dụng mua, thanh toán online, thỉnh thoảng mới đi chợ, giờ có dịch tôi chuyển hoàn toàn sang đi chợ online.
"Cứ nghĩ cái cảnh sau giờ làm tất bật, vừa chở con nhỏ trên xe, vừa phải dừng mua đồ chợ búa lỉnh kỉnh, mỗi lần dừng mua là lần gỡ khẩu trang, xoa nước cồn, tôi cũng bắt đầu thấy ngại. Mua online khắc phục được điều đó” - chị Hiền nói.
Nhiều khách hàng cho biết, sự nở rộ của của mua sắm trực tuyến và giao hành nhanh chóng thuận lợi và an toàn trong mùa dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều hạn chế như không nhìn thấy tận mắt nên nhiều khi “hàng thật khác xa hàng mạng”. Mặc dù được hỗ trợ đổi trả nhưng vẫn phải chờ đợi rất nhiều ngày. Các khách hàng đều mong các cơ quan chức năng có những chế tài nghiêm khắc để quản lý những trang thương mại điện tử, bảo đảm nguồn gốc hàng hoá chất lượng hơn đến tay người tiêu dùng.
![]() |
Chợ truyền thống ngày càng thưa thớt khách |
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các kênh siêu thị nhanh chóng nắm bắt tâm lý khách hàng và chuyển đổi theo xu hướng chung. Đại diện siêu thị BigC Vinh cho biết , BigC đang tăng cường hình thức thương mại điện tử, mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày với hoá đơn trên 200.000 đồng/1 đơn hàng.
Còn theo đại diện cửa hàng thực phẩm sạch Bibi Green ở Tp Vinh, trước khi xảy ra dịch Covid-19, tỷ lệ bán qua kênh online tại cửa hàng đạt khoảng 5 - 10%, nhưng gần đây, lượng khách hàng mua online đã tăng mạnh. Hiện, tất cả các sản phẩm bán tại siêu thị đều được lên trang Facebook của cửa hàng, và khách hàng đặt mua qua online rất nhiều, từ đó, đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Để kích thích tiêu dùng trong mùa dịch bệnh, nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada… cũng đã chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mãi lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2.
Có thể nói, việc mở rộng kênh bán hàng online, huy động các doanh nghiệp thương mại điện tử cùng vào cuộc trong thời điểm này là lựa chọn tối ưu, qua đó hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.