Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - nêu thực tế, suốt thời gian qua, các mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng thời trang dệt may, da giày, hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh... của Thái Lan đang được quảng bá và bày bán khắp các chợ truyền thống và hệ thống siêu thị trên cả nước khiến cho doanh nghiệp trong nước điêu đứng bởi giá cả hàng Thái thường rẻ hơn và chất lượng, mẫu mã thiết kế cũng được người tiêu dùng đánh giá cao hơn hàng nội một bậc. Điều này đang và sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Việt do phải cắt giảm khả năng và sản lượng sản xuất, từ đó giảm khả năng cạnh tranh của hàng nội trước hàng ngoại.
![]() |
Chính phủ cần có cơ chế để các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm dễ dàng tiếp cận vào hệ thống phân phối nội địa |
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong ngành lương thực, thực phẩm của TP. Hồ CHí Minh hiện chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên rất hạn chế về quy mô, vốn, công nghệ và khả năng tiếp cận kênh phân phối thị trường bán lẻ.
Các thống kê của Hiệp hội này cho thấy, doanh nghiệp trong nước gần như không thể chào hàng các sản phẩm mới cho siêu thị khi mức chiết khấu vẫn còn khá cao (15-25%). Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải đẩy giá thành cao hơn so với bên ngoài 15-30% mới đảm bảo lợi nhuận.
Theo bà Lý Kim Chi, trong xu hướng càng hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ càng gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trên chính thị trường trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và nguồn nhân công rẻ của Việt Nam cùng với ưu thế về quy mô, công nghệ, tài chính để đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam và các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam.
Để hỗ trợ ngành lương thực, thực phẩm thành phố nâng cao sức cạnh tranh, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh nhiều giải pháp để hỗ trợ tăng sức mua, sức cạnh tranh cho hàng hóa của doanh nghiệp. Đồng thời Bộ Tài chính nên xem xét không tăng thuế VAT đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm, cũng như không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt như đề xuất trong dự thảo sửa đổi các Luật thuế của Bộ Tài chính đưa ra.
“Chúng tôi cho rằng cơ quan nhà nước cần có cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước bằng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thương hiệu bán lẻ uy tín trong nước phát triển thành các thương hiệu bán lẻ mạnh như Saigon Co.op, SatraMart, VinMart… mở rộng thêm quy mô các cửa hàng hiện tại, tăng thêm số lượng các cửa hàng mới... ”, bà Lý Kim Chi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó nên tập trung xây dựng và đổi mới hệ thống các chợ truyền thống để các doanh nghiệp bán lẻ nội địa tăng sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ cần có cơ chế để các thương hiệu bán lẻ nội địa dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm dễ dàng tiếp cận sản phẩm vào hệ thống phân phối nội địa để tăng lợi thế phát triển.