Ngành hàng công nghiệp chế biến: ​Đầu tàu xuất khẩu 2016

Bất chấp khó khăn của thị trường, sự sụt giảm về giá, gia tăng rào cản thương mại… nhưng năm 2016, xuất khẩu của ngành hàng công nghiệp chế biến vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ.
\"\"
​Dệt may - mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong năm 2016

Đóng góp lớn

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp tiếp tục đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016, đạt 141,8 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2015. Xét về giá trị tuyệt đối, kim ngạch xuất khẩu cả nhóm tăng khoảng 14,1 tỷ USD so với năm 2015.

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp tiếp tục cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu chung của cả nước, là đầu tàu kéo xuất khẩu chung của cả nước tăng trưởng cao. Đây là năm thứ 5 liên tiếp kể từ năm 2012, tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng này cao hơn tăng trưởng xuất khẩu chung.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2016, xuất khẩu nhóm này chiếm 80,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng thêm 1,4% về tỷ trọng so với năm 2015 (chiếm 78,9%). Sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu này theo đúng mục tiêu tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 là tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến và giảm dần nhóm hàng nông, thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản.

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao có thể kể đến: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 34,3 tỷ USD (tăng 13,8%); dệt may đạt 23,8 tỷ USD (tăng 4,6%); giày dép đạt 13 tỷ USD (tăng 8,3%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 10,14 tỷ USD (tăng 24,3%)…

Về thị trường, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao tại các thị trường chính là Hoa Kỳ (33,1 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2015), EU (27,1 tỷ USD, tăng 10,1%), Trung Quốc (13,9 tỷ USD, tăng 34,5%)...

Điểm sáng dệt may, giày dép và gỗ

Đối với mặt hàng dệt may, năm 2016, nhiều đơn đặt hàng giảm; một số nước tăng cường sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam cũng tạo áp lực nhất định cho doanh  nghiệp... Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn đạt được kim ngạch xuất khẩu 28,1 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2015, chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Với mặt hàng giày dép, trong năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 13 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2015. Chủng loại giày dép xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn là giày thể thao mũ nguyên liệu dệt đạt 4,95 tỷ USD, tăng 13,9% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 38,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép. Về thị trường, Việt Nam chủ yếu xuất sang các nước như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN. Năm 2017, ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) - dự báo, ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Dự kiến sản xuất và xuất khẩu ngành này năm 2017 sẽ đạt gần 18 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016.

Với mặt hàng gỗ, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2016 đạt gần 7 tỷ USD, tăng 1,1% so với năm 2015. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016 vẫn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU. Các thị trường này chiếm tới hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; trong đó Hoa Kỳ chiếm 40%, EU, Nhật Bản và Trung Quốc đều chiếm tỷ trọng trung bình khoảng từ 10-15%, tiếp đến là các thị trường như Hàn Quốc, Australia, Canada,...

Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - chia sẻ, năm 2017, ngành gỗ được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi hơn bởi nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất trên toàn thế giới tiếp tục tăng. Dự kiến, năm nay kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD.

TIN LIÊN QUAN
Hiệu ứng lớn từ chính sách xuất nhập khẩu
Mai Ca
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận