Xây dựng các kịch bản phù hợp
Mỗi ngày, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam hiện phải ký khoảng 10 quyết định chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế vì lý do kinh doanh khó khăn, dịch bệnh hoặc doanh thu giảm sút nên chuyển hướng hoạt động. Trao đổi với báo chí, ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho rằng, sức mạnh của ngành du lịch nằm ở các DN, nhưng DN đứng trước nguy cơ phá sản, chấm dứt hoạt động là điều đáng lo ngại cho sự phát triển trong tương lai của ngành.
![]() |
Ngay khi hết dịch sẽ tập trung tổ chức quảng bá du lịch bài bản |
Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19, theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, chưa thể xác định thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động của dịch bệnh đến nhiều quốc gia trên thế giới. Ngành du lịch đã xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, để hết dịch thì lạc quan nhất cũng phải hết tháng 6/2020 và ngành chỉ có thể phục hồi lại các hoạt động như trước khi có dịch vào đầu năm 2021.
Hiện, ngành du lịch đang tập trung thực hiện nhiệm vụ “kép”, là vừa triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, vừa xây dựng kịch bản, kế hoạch kích cầu, quảng bá xúc tiến tại các thị trường sau khi dịch bệnh được khống chế. Theo đó, Tổng cục Du lịch phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam lấy ý kiến các địa phương, DN về chương trình kích cầu du lịch Việt Nam; xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch thu hút khách du lịch quốc tế ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế.
Tổng cục Du lịch cũng đề nghị các DN dịch vụ lữ hành báo cáo kết quả kinh doanh trong vòng 3 năm trở lại đây, đánh giá thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra; đồng thời đề xuất, kiến nghị các gói hỗ trợ DN và giải pháp cụ thể để ngành du lịch phục hồi sau dịch bệnh. “Căn cứ trên kết quả kinh doanh thực tế và kiến nghị của DN, Tổng cục Du lịch sẽ có thêm cơ sở đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài”- ông Chung chia sẻ.
Phục hồi cho du lịch toàn cầu
Dịch Covid-19 cũng tác động tiêu cực đến du lịch toàn cầu, vì vậy, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo, lượng khách du lịch quốc tế có thể giảm 20 - 30% trong năm 2020. Mức giảm này có thể dẫn đến sự sụt giảm tổng thu khoảng 300 - 450 tỷ USD, chiếm gần 1/3 trong số 1,5 nghìn tỷ USD tổng thu du lịch toàn cầu năm 2019.
Trước thách thức chưa từng có, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, cơ quan du lịch chuyên ngành của Liên hợp quốc đã triển khai nhiều hành động tích cực nhằm ứng phó với dịch bệnh, như: Tổ chức liên kết chặt chẽ với chính phủ các nước và khu vực tư nhân tăng cường sự hợp tác và đoàn kết quốc tế chống lại dịch bệnh; kêu gọi chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới xác định ngành du lịch là trung tâm của nỗ lực phục hồi trong thời gian tới.
Bằng nhiều giải pháp ứng phó, mới đây, UNWTO đã phát động cuộc thi sáng tạo “Tìm kiếm giải pháp phục hồi ngành du lịch”. Kết quả cuộc thi sẽ hỗ trợ quốc gia thành viên và các bên liên quan đến du lịch xác định được những công cụ nhằm giảm thiểu rủi ro; xây dựng tiêu chuẩn và quy trình nhằm ngăn chặn các mối đe dọa, có hành động phù hợp trong khủng hoảng; tăng cường sự phối hợp theo chuỗi giá trị du lịch và giải pháp tạo thuận lợi cho phát triển của ngành trên phạm vi toàn cầu.
Ông Lê Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Đối mặt với khó khăn, thách thức, các đơn vị, DN trong lĩnh vực du lịch cần bình tĩnh ứng phó, nhìn lại định hướng chiến lược phát triển; tăng cường công tác liên kết giữa các đơn vị; đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, khi hết dịch sẽ tập trung tổ chức quảng bá một cách bài bản. |