Gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu người lao động mất việc làm, giảm thu nhập. Công nhân lao động ngành dệt may cũng không phải ngoài luồng, phần lớn phải san sẻ công việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, cuộc sống gặp không ít khó khăn. Song với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, sát cánh cùng người lao động, chính quyền cũng như công đoàn các cấp trong hệ thống đã nỗ lực đổi mới các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, động viên người lao động giữ vững sản xuất, kiên cường bám máy, đảm bảo ai cũng có việc làm.
![]() |
An toàn sức khỏe cho người lao động trở thành ưu tiên số một |
Điều đáng nói, trong bối cảnh sản xuất, thu nhập… bị ảnh hưởng nặng nề nhưng hầu như tất cả người lao động trong ngành đều sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó. Tất cả đều tự nguyện chia sẻ vị trí việc làm, giảm bớt lương của mình để đồng nghiệp ai cũng có thu nhập. Những thời điểm dịch bùng phát, nhà máy phải hoạt động giãn cách, người lao động tự nguyện làm những công việc khác không lương miễn sao được đến công ty và chung tay với mọi người ổn định sản xuất.
Thời điểm này, người lao động ngành dệt may đang dần ổn định, đơn hàng của đa số đơn vị đã ký đến tháng 7, tháng 8, nhiều đơn vị có đơn hàng hết quý III, thậm chí quý IV/2021. Chính vì vậy, việc giữ an toàn sức khỏe cho người lao động lúc này càng trở thành ưu tiên số một của doanh nghiệp, giúp cho việc tổ chức sản xuất ổn định có năng suất cao, đảm bảo thời gian giao hàng của khách.
Theo đó, các doanh nghiệp ngành dệt may nói chung và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nói riêng đều đồng thuận đóng góp, để tất cả người lao động trực tiếp được tiêm vắc-xin. Sau đó, nếu lượng vắc-xin đủ thì nhân rộng ra để tiêm cả cho những người trong gia đình, những người sống cùng người lao động, để đảm bảo an toàn cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Hiện, Vinatex đã đề nghị với Chính phủ và cũng có văn bản chính thức gửi đến Ban chỉ đạo Nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19 về việc các doanh nghiệp của Vinatex sẵn sàng chi trả tất cả chi phí dành cho việc tiêm vắc-xin toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động.
Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam - cũng đã kiến nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp được giữ lại kinh phí đóng góp vào Quỹ vắc-xin Quốc gia để doanh nghiệp chủ động mua vắc-xin tiêm cho người lao động, hoặc ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp từ nguồn quỹ quốc gia. Miễn nộp đoàn phí, kinh phí công đoàn đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tạo điều kiện cho Công đoàn Dệt may Việt Nam và công đoàn cơ sở trực thuộc được giữ lại phần kinh phí tiết giảm để chăm lo cho người lao động. Tăng cường các hoạt động đối với công nhân lao động…
Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động nhất trong các ngành nghề, với trên 2,5 triệu lao động, riêng Vinatex là 150.000 lao động. Các doanh nghiệp ngành dệt may đều sẵn sàng chịu mọi chi phí để tiêm được vắc-xin cho người lao động của mình. |