Ngành Công Thương khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Các địa phương cần liên kết, hỗ trợ nhau chặt chẽ hơn

Sáng ngày 12/7, tại TP. Tuy Hòa, Sở Công Thương tỉnh Phú Yên phối hợp với Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ V - năm 2018. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chủ trì hội nghị.
\"nganh
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Cùng tham dự hội nghị còn có ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công nghiệp, ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và đại diện lãnh đạo các sở Công Thương 15 tỉnh trong khu vực cùng lãnh đạo các ngành liên quan.

Trong năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt xấp xỉ 443.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2016. Đa số các địa phương đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước là 9,4%. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn khu vực trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt gần 2.000.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Các tỉnh, thành phố trong khu vực đều có giá trị sản xuất công nghiệp tăng so với năm 2017. Nhiều tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như: Kon Tum (tăng 15,6%), Ninh Thuận (tăng 14,6%) Quảng Ngãi (tăng 13,5%), Đắk Nông (tăng 10,3%),...

Tính đến tháng 6/2018, toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 13 khu kinh tế với 476 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn thực hiện trên 152.000 tỷ đồng; 67 khu công nghiệp có 1.558 dự án đã hoạt động với số vốn thực hiện gần 151.000 tỷ đồng.

Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) đến năm 2020, toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ có 362 CCN với tổng diện tích 9.815ha. Đến nay, có 215 CCN đã được thành lập, 227 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, 162 CCN đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đang tiến hành đầu tư; 195 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút 1.457 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy bình quân 61,5%. Việc phát triển các khu kinh tế và khu, CCN được chú trọng không chỉ tạo điều kiện trong thu hút đầu tư, mà còn góp phần tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Cụ thể, hiện nay, tổng lao động tại các khu kinh tế, khu/CCN gần 74.000 người, nộp ngân sách năm 2017 là 662 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2018 đến nay, hoạt động thương mại tại các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên diễn ra khá sôi động. Năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn khu vực đạt trên 620.000 tỷ đồng, tăng trên 14,5% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 15,7% so với cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 8.000 triệu USD, tăng 5,3% so với năm 2016; kim ngạch nhập khẩu đạt trên 4.140 triệu USD, giảm 23,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một trong những hạn chế được đề cập tại hội nghị là sự liên kết giữa các địa phương vẫn chưa được phát huy hiệu quả; hệ thống hạ tầng của khu vực còn thiếu đồng bộ, thiếu kết nối nên trở ngại cho thương mại và dịch vụ...

\"nganh
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - Trần Hữu Thế trao Cờ luân lưu cho đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương

Một trong những thực trạng hoạt động công thương của khu vực là các doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ, nên không chỉ hạn chế trong xây dựng, đầu tư mà còn ảnh hưởng đến phát triển thị trường. Song, trong kế hoạch những tháng cuối năm 2018, ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn hoạch định phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp trên 278.000 tỷ đồng, đưa giá trị sản xuất cả năm đạt trên 485.000 tỷ đồng; phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 357.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD, đưa tổng kinh ngạch xuất khẩu cả năm đạt 8,29 tỷ USD.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh: Để xúc tiến hoạt động ngành Công Thương những tháng cuối năm, đề nghị các địa phương cần thực hiện tốt hơn các chính sách hỗ trợ đầu tư. Đối với phát triển công nghiệp, cần chú trọng năng lượng tái tạo; đối với hoạt động thương mại cần lưu ý đến thị trường trong nước, nhất là thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng hóa xuất khẩu tập trung vào những mặt hàng có giá trị cao, có lợi thế riêng của từng địa phương. Đặc biệt, các địa phương cần có sự liên kết, hỗ trợ nhau chặt chẽ hơn, cụ thể nhiều chương trình hơn, để phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, hướng đến cận thị trường xuất khẩu. Song hành với những giải pháp đẩy mạnh hoạt động công nghiệp, thương mại, các địa phương cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; phổ biến các chính sách mới và lộ trình thực hiện cam kết FTA để cộng đồng doanh nghiệp có những bước chuẩn bị...

Hội nghị ngành Công Thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng là một nhịp cầu kết nối giao thương với chuỗi các sự kiện: Hội nghị kết nối cung - cầu; hội nghị khuyến công; tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực,...

Quỳnh Mỹ - Ngô Xuân
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận