Nâng cao tính minh bạch trong cổ phần hóa

Những “lỗ hổng” trong quá trình cổ phần hóa sẽ được khắc phục một cách triệt để khi nghị định mới của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần ban hành.
\"\"
Ảnh minh họa

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - hoạt động cổ phần hóa luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chỉ trong vòng 4 năm, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định liên quan đến công tác cổ phần hóa gồm: Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực luôn biến động, đòi hỏi chính sách phải cập nhật, điều chỉnh phù hợp. Trước thực tế này, Chính phủ đã chủ trương thay thế cả 3 nghị định trên bằng một nghị định mới với những điều luật cụ thể, minh bạch nhưng rất chặt chẽ, đồng thời có thể áp dụng được ngay. Hai lĩnh vực được quan tâm nhất là nhà đầu tư chiến lược và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong doanh nghiệp được “hóa giải” chi tiết trong dự thảo nghị định mới.

Cụ thể, liên quan đến nhà đầu tư chiến lược, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại doanh nghiệp cổ phần hóa có nghĩa vụ phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho doanh nghiệp nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm. Điều này dẫn tới quyền lợi của các nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện. Thêm nữa, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng, chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch cũng như dễ dẫn đến thất thoát vốn nhà nước.

Nhằm khắc phục hạn chế trên, dự thảo nghị định mới đã điều chỉnh việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai. Điều này đồng nghĩa với việc bỏ hình thức bán thỏa thuận trước. Bên cạnh đó, thay đổi thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là 3 năm (thay cho 5 năm) để phù hợp với quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 119 Luật Doanh nghiệp.

 Xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp được xem là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hoá thời gian qua. Dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đồng thời, bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, dự thảo nghị định đã quy định rõ công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của doanh nghiệp theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp công ty cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Hà Trang
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận