Nâng cao nhận thức để bảo vệ quyền lợi chính đáng

Mặc dù nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD đã được triển khai, nhưng tình trạng vi phạm quyền lợi NTD vẫn đang xảy ra phổ biến và ngày càng phức tạp. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội - để làm rõ hơn vấn đề này.

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ra đời, được tuyên truyền và tổ chức thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng không ít NTD vẫn bị xâm phạm quyền lợi như mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không đạt tiêu chuẩn… Theo luật sư, nguyên nhân do đâu?

Có rất nhiều yếu tố dẫn tới việc quyền lợi của NTD bị xâm phạm. Thứ nhất, về phía cơ quan quản lý nhà nước, một số quy định pháp luật hiện chưa đáp ứng các nhu cầu thực tế phát sinh, cơ chế giải quyết còn phức tạp. Ví dụ, quy định tại Điều 26, giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi NTD đòi hỏi NTD phải giải trình, cung cấp thông tin, bằng chứng… Điều này khá phức tạp, dẫn tới tâm lý NTD ngại kiện cáo. Mặt khác, các quy định về quyền và trách nhiệm của NTD hiện còn chung chung, khó thực hiện.

Thứ hai, xuất phát từ doanh nghiệp. Bên cạnh doanh nghiệp kinh doanh chân chính, gây dựng thương hiệu bài bản và trách nhiệm, vẫn có không ít doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, thậm chí lừa đảo, điển hình như Công ty Alibaba, Liên kết Việt...

Thứ ba, từ phía NTD. Nhìn chung, NTD chưa nắm hết được quyền lợi và nghĩa vụ, chưa tự chủ động tìm hiểu các quy định để bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, ngoài việc “nhẹ dạ, cả tin”, phần vì ham rẻ, mua theo phong trào, thậm chí biết hàng nhái vẫn mua. Đặc biệt, khi hậu quả xảy ra, ngại thủ tục kiện cáo rườm rà, với những hàng hóa có giá trị nhỏ, NTD thường sẽ bỏ qua hoặc chấp nhận.

Để xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, nâng cao sự cạnh tranh, theo ông, doanh nghiệp có vai trò và trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ quyền lợi của NTD?

Vai trò tham gia của doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ - trong thực thi pháp luật về bảo vệ NTD rất quan trọng. Đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật. Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa; không nên coi việc chống hàng giả là của cơ quan thực thi pháp luật.

Đặc biệt, khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại lên Cục Sở hữu trí tuệ. Sự tự bảo vệ của các doanh nghiệp khi bị xâm phạm cũng chính là hành động ngăn chặn người sử dụng hàng hóa của mình bị lừa dối, nhầm lẫn khi mua hàng. Qua đó, các doanh nghiệp góp phần quan trọng trong việc lành mạnh hóa môi trường mua sắm, tiêu dùng.

Hiện nay, tình trạng vi phạm quyền lợi NTD đã và đang xảy ra phổ biến, ngày càng phức tạp với hậu quả để lại nghiêm trọng hơn. Ông có kiến nghị gì đối với cơ quan nhà nước trong việc tăng cường các giải pháp để bảo vệ quyền lợi NTD?

Đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân, mà phải là của toàn xã hội. Trong đó, trước hết, doanh nghiệp cần bảo vệ chính mình; NTD cần thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm. Song song, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân. Có làm được như vậy, mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.

Để nâng cao vị thế, quyền và lợi ích của NTD, theo tôi, cần triển khai một số giải pháp cấp thiết như: Xây dựng và ban hành văn bản triển khai giám sát và đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi NTD trong ngành Công Thương và ngành, lĩnh vực được phân công; mở các chuyên trang, chuyên mục và tăng thời lượng đưa tin về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN, APEC và các hiệp định thương mại tự do và quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận