Nâng cao năng lực vận tải biển - Kỳ I: Cơ cấu bất hợp lý

Đánh giá về trình độ quản lý, năng lực của ngành vận tải biển trong nước, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, ngành còn nhiều hạn chế, bất cập so với khu vực và thế giới.
\"\"
Tổng công ty Vận tải biển Petrolimex - một trong số ít doanh nghiệp có đội tàu tải trọng lớn

Kém hiệu quả

Đội tàu vận tải biển Việt Nam có 3 nhóm chính gồm: Tàu hàng rời, tàu container, tàu dầu. Trong 1.840 tàu vận tải biển hiện có, tàu container rất ít (trên 30 tàu) chiếm 3,8% (mức trung bình của thế giới 13%). Khi xu hướng container hóa tàu biển thế giới đang ngày càng mạnh (tăng 7,7%/năm), thì Việt Nam lại phát triển nhiều tàu hàng rời, tàu dầu. Tàu hàng rời chiếm tỷ trọng khá cao 26%, nhưng khả năng khai thác kém hiệu quả. Tàu chuyên chở dầu và hóa chất chiếm tỷ trọng cao khoảng 27%, nhưng sở hữu không tập trung, thị phần khai thác hẹp.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, cả nước có 600 chủ tàu vận tải biển, nhưng chỉ có trên 30 chủ tàu có tổng tải trọng khai thác trên 10.000 DWT; hơn 560 chủ tổng tải trọng khai thác nhỏ, chiếm 27% tổng tải trọng đội tàu cả nước, thuộc nhiều thành phần kinh tế tư nhân, nhỏ. Trong nhóm chủ tàu lớn, Vinalines và công ty trực thuộc có 122 tàu các loại, tổng tải trọng 2,4 triệu DWT, chiếm 45% năng lực vận tải tàu biển Việt Nam; tiếp đến là các công ty thuộc Petrolimex có 10 tàu dầu thành phẩm, tổng trọng tải 288.239 DWT, chiếm 7% tổng trọng tải đội tàu quốc gia.

Trong nhóm tàu hàng rời, số tàu tải trọng dưới 10.000 DWT nhiều nhất nhưng lại chỉ chiếm 13% tổng tải trọng, tàu 20.000-30.000 DWT chiếm 47%, tàu trên 40.000 DWT rất ít nhưng chiếm 21% tổng tải trọng nhóm. Nhóm tàu container có tổng công suất khoảng 20.600 TEUs, tuổi tàu cao, tốc độ chậm so với tàu của hãng nước ngoài. Nhóm tàu vận tải dầu và hóa chất nhiều, sở hữu thuộc Tổng công ty Vận tải dầu khí, Vinalines… nhưng nhu cầu vận chuyển mặt hàng này không cao, thiếu ổn định nên nhiều chủ tàu nhỏ phải cho chủ lớn thuê tàu định hạn, nguồn thu không cao.

Năng lực vận tải yếu

Vận tải biển Việt Nam chủ yếu hoạt động ở nội địa với hơn 90% thị phần và mất cân đối (chiều từ Bắc vào Nam bằng khoảng 60% so với chiều từ Nam ra Bắc), vận chuyển chủ yếu hàng nông sản, quặng sắt, phân bón… Các tuyến quốc tế chỉ khai thác được quãng đường ngắn quanh khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Số ít doanh nghiệp khai thác tuyến xa đi Tây Phi, Nam Mỹ, Đông Âu nhưng kém hiệu quả. Về tỷ lệ thời gian, tàu Việt Nam chạy trung bình chỉ 30-35%/năm, thời gian chạy rỗng 13-15%/năm, thời gian neo chờ làm hàng khoảng 20-25%/năm. Là quốc gia biển, Việt Nam mới có 2 hãng tàu container được xếp trong Top 100 thế giới là Biển Đông và Vinalines. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh đối với nhóm tàu container Việt Nam trên tuyến quốc tế rất lớn. Đến năm 2015, trên 40 hãng tàu container nước ngoài có mặt tại Việt Nam dưới 3 hình thức: Đại lý, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài, vận chuyển 85% lượng container xuất nhập khẩu.

Thị phần vận tải dầu thô tuyến quốc tế của tàu Việt Nam chưa đáng kể do thiếu về cỡ tàu; điều kiện kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu của chủ hàng về an toàn vận chuyển, tránh thất thoát và bảo vệ môi trường. Những tàu dầu thành phẩm Việt Nam chạy tuyến quốc tế hiện chủ yếu vận chuyển xăng dầu nhập khẩu từ Singapore, Malaysia và Trung Đông, chỉ một số ít tải trọng lớn có tham gia vào thị trường chở thuê giữa các cảng nước ngoài.

Theo Bộ Giao thông vận tải, ước tính tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện đến nay mới đạt xấp xỉ 100 triệu tấn/năm.

Kỳ II: Triển vọng mở, thách thức lớn

Ngọc Quỳnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận