![]() |
Các hiệp hội phải là chỗ dựa cho doanh nghiệp |
Hầu hết các hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) Việt Nam ra đời và phát triển trong bối cảnh đất nước đang tiến hành đổi mới và chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường. Những điều chỉnh chính sách và pháp luật về kinh tế đã tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp, đồng thời nảy sinh nhu cầu của chính cộng đồng doanh nghiệp về những tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của mình. Tại Hội thảo “Giới thiệu thực tiễn tốt trong hoạt động và bộ công cụ tự đánh giá năng lực của hiệp hội doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Quỹ châu Á (TAF) tổ chức mới đây, các doanh nghiệp đều cho rằng, năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp ngày càng trở thành vấn đề đáng được quan tâm khi các hiệp hội đang được coi là có vai trò quan trọng mang tính định hướng và liên kết cho các doanh nghiệp hội viên.
Có thể nói, sự tham gia và chủ động của nhiều hiệp hội đã có những ảnh hưởng nhất định, với nhiều chuyển biến ở một số lĩnh vực như: Bãi bỏ các giấy phép kinh doanh con, thay đổi trong từng dự thảo của Luật Đầu tư (chung); thay đổi trực tiếp trong quy định về thủ tục mua bán hóa đơn VAT, các chính sách về độ cao container, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng… Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng sẽ tiếp tục có vai trò rất quan trọng trong tạo liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh tế trong các ngành hàng để bảo đảm hiệu quả lợi ích chung của các ngành kinh tế, đồng thời cũng bảo đảm được lợi ích của doanh nghiệp và quốc gia.
ÔngHoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch VCCI: 97% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự liên kết nhằm gia tăng sức mạnh cạnh tranh qua đó tận dụng được những cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. |
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, các hoạt động kinh tế sẽ thường xuyên đối mặt với vấn đề bảo hộ thương mại của các quốc gia. Hầu hết hiệp hội ngành hàng tại các nước phát triển dành 70% công việc của họ là giải quyết các vấn đề về tranh chấp thương mại. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều các vụ doanh nghiệp Việt Nam bị kiện bán phá giá, phải đối mặt với các rào cản thương mại của các nước. Điều này càng đòi hỏi các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần hoạt động chuyên nghiệp hơn, nắm vững luật thương mại trong nước và quốc tế để có thể trợ giúp cho các doanh nghiệp hội viên một cách có hiệu quả. Theo đại diện Hiệp hội Công Thương TP. Hà Nội, các hiệp hội cần có cách làm chủ động hơn, nghiên cứu và đề xuất ý kiến chính thức bằng văn bản tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để tổng hợp, làm rõ và đề ra giải pháp hoặc kiến nghị với Chính phủ đối với những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp…
Đại diện Quỹ châu Á cho rằng, cần tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nếu muốn đạt được sự phát triển năng động và toàn diện trong khu vực kinh doanh; đồng thời nâng cao vị thế và tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật.