Hàng hóa dồi dào
Một điểm sáng có thể dễ dàng nhận thấy trên thị trường hàng hóa vào năm qua là lượng hàng hóa cung ứng đến người tiêu dùng qua các kênh phân phối luôn dồi dào, ổn định. Các chương trình bình ổn được triển khai sâu rộng tại các địa phương, nhờ đó giá cả hàng hóa được giữ ổn định, kể cả vào các dịp Lễ, Tết, cuối năm, khi nhu cầu lên cao.
![]() |
Hàng hóa Tết 2018 tương đối dồi dào |
Trong tháng 12/2018, do đang vào dịp cuối năm, thị trường hàng hóa khá sôi động trong các dịp Noel, Tết Dương lịch và chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán. Xu hướng giảm giá của nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng trong thời gian cuối năm đã hỗ trợ cho mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ khác trên thị trường diễn biến tương đối ổn định.
Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, để đảm bảo đầy đủ hàng hóa cho người tiêu dùng vào dịp cuối năm và Tết Kỷ Hợi, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các địa phương về việc chuẩn bị hàng hóa cuối năm. Nhìn chung, các địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang tích cực chuẩn bị hàng hóa Tết, tổ chức các chương trình kết nối cung cầu, bình ổn thị trường theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Tính đến cuối tháng 12, đã có 25/63 tỉnh thành phố có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, trong đó có 9 địa phương có kế hoạch triển khai Chương trình Bình ổn thị trường. Các nhóm hàng được chú trọng chuẩn bị là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết. Đặc biệt, thịt lợn - mặt hàng có biến động lớn trong năm 2018 đã được các địa phương, nhất là vùng chăn nuôi lớn như Hà Nam, Đồng Nai kiểm soát tốt dịch bệnh và đảm bảo nguồn cung dịp Tết tăng từ 20 - 25% so với các tháng thường.
Cùng với việc đảm bảo cơ bản việc quản lý cung cầu hàng hóa trong tháng cuối năm và dịp Tết, nhìn chung, năm 2018, thị trường hàng hóa trong nước tương đối ổn định, cung cầu các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm. Cùng với mức tăng trưởng GDP chung cả nước (ước đạt 6,8%), thị trường hàng hóa trong nước cũng đạt mức tăng khá, lưu thông hàng hóa được đẩy mạnh và thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu cho người dân ở mọi miền đất nước với giá bình ổn.
Với diễn biến thị trường như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 ước tính đạt 394.500 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 12,7% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 296.500 tỷ đồng, tăng 1,9% và tăng 13,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 49.900 tỷ đồng, tăng 3,2% và tăng 11,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3.700 tỷ đồng, tăng 3% và tăng 3,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 44.400 tỷ đồng, tăng 2% và tăng 12,8%.
Tính chung cả năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 4.395.700 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước. Đây là mức tăng cao so với một số năm gần đây (năm 2017 tăng 11%), cho thấy sức mua tăng lên, nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực.
Không chủ quan với việc điều hành giá
Cùng với mức tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng cũng được kiểm soát tương đối ổn định khi chỉ tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, nằm trong mục tiêu tăng dưới 4% do Quốc hội đặt ra. Đây được đánh giá là một năm thành công của công tác điều hành giá khi thị trường năm nay có rất nhiều yếu tố bất thường.
Ông Nguyễn Lộc An cho hay, đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý giá, Tổ đã kiến nghị các Bộ ngành chức năng tăng cường công tác quản lý giá, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, thuế, phí; giám sát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, từ nguồn ngân sách Nhà nước. Nhờ đó, giá cả được kiểm soát tương đối tốt.
Hoặc với công tác bình ổn thị trường và chuẩn bị hàng hóa mùa mưa bão, Tổ đã đề nghị các địa phương sớm có kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường và chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Công tác dự trữ hàng hóa cũng được thực hiện tốt. Nhờ đó, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá, kể cả trong mùa mưa lũ.
Đánh giá về hiệu quả của hoạt động này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước cho hay, cùng với tình hình thế giới có một số yếu tố thuận lợi như giá xăng dầu thế giới giảm dần vào cuối năm, giá thịt lợn được điều hành tốt… năm nay, việc điều hành giá xăng dầu của Liên bộ Tài chính - Công Thương đã được thực hiện linh hoạt, hợp lý. Dù nhiều thời điểm trong tháng 10, giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến nhưng trong nước, giá vẫn đảm bảo không tăng “sốc” hoặc giữ ổn định, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, tạo dư địa để tăng giá nhiều mặt hàng khác theo lộ trình như giá dịch vụ y tế, giáo dục…