Mỗi ngày sẽ có đến 500.000 liều vắc xin Covid-19 được tiêm chủng

Theo kế hoạch, khi số lượng vắc xin Covid-19 về Việt Nam đủ từ 110-150 triệu liều trong những tháng còn lại của năm 2021, ước tính Việt Nam sẽ tiêm khoảng 300.000-500.000 liều/ngày.

Lập Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 toàn quốc

Nhằm tổ chức tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, tiến hành tiêm chủng an toàn, ngày 24/6, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 toàn quốc. Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long làm Trưởng ban.

Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ có 5 tiểu ban, gồm: Tiểu ban tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin; Tiểu ban tiêm chủng; Tiểu ban an toàn tiêm chủng; Tiểu ban giám sát chất lượng vắc xin; Tiểu ban ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và truyền thông; Văn phòng thường trực thuộc Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc.

Theo Bộ Y tế, các tiểu ban chủ yếu giám sát chất lượng vắc xin từ khi tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản cho đến triển khai tiêm chủng tại các điểm tiêm trên toàn quốc. Xây dựng các hướng dẫn về tiêm chủng, xử trí cấp cứu đối với sự cố bất lợi sau tiêm chủng, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn và theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ...

Trước đó, Bộ Y tế đã phối hợp các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao... xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất lịch sử với 150 triệu liều vắc xin Covid-19. Bộ Y tế đã làm việc với Bộ Quốc phòng để rà soát và thống nhất việc xây dựng các kho bảo quản vắc xin tại 7 quân khu, quân đoàn.

Kế hoạch triển khai tiêm chủng lớn nhất này diễn ra khi Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, tháng 7 có thể có khoảng 8 triệu liều vắc xin từ các nguồn về Việt Nam. Dự kiến đến quý ba năm nay sẽ tiêm được cơ bản cho các nhóm ưu tiên, trong đó đủ số lượng vắc xin để tiêm cho lực lượng sản xuất.

Đến nay, Việt Nam mới nhận tổng cộng gần 4,5 triệu liều vắc xin, trong đó gần 2,5 triệu liều do Covax hỗ trợ, hơn 400.000 liều đặt mua thông qua VNVC, một triệu liều do Nhật Bản tặng và 500.000 liều do Trung Quốc gửi tặng. Tuy nhiên đến nay, tốc độ tiêm chủng tại Việt Nam khá chậm, mới đạt gần 2,6 triệu liều.

Tốc độ tiêm chủng tại Việt Nam đạt gần 2,6 triệu liều vắc xin Covid-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, hiện nay Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao… xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân từ nay đến hết năm 2021. "Theo tính toán của Bộ Y tế, nếu số lượng vắc xin về đủ, khoảng 110-150 triệu liều trong vòng 3 đến 6 tháng còn lại trong năm nay, ước tính mỗi ngày chúng ta sẽ tiêm khoảng 300.000-500.000 liều/ngày và đảm bảo hoàn thành chiến dịch tiêm" - ông Tuyên chia sẻ.

Điều tiết vắc xin, đối tượng ưu tiên

Liên quan tới vấn đề có một số trường hợp gặp phản ứng sau tiêm vắc xin, Thứ trưởng Tuyên phân tích, về bản chất vắc xin là một sinh phẩm, khi tiêm vào cơ thể sẽ có tỉ lệ nhất định phản ứng sau tiêm. Tùy theo cơ địa của từng người mà phản ứng khác nhau. Vắc xin nào tiêm cũng có thể xảy ra phản ứng không mong muốn.

Hiện nay, bất cứ vắc xin Covid-19 khi về Việt Nam, trước khi đưa vào sử dụng, Bộ Y tế đã chỉ đạo kiểm định chất lượng rất chặt chẽ. Bộ cũng chỉ đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh tập huấn cho tất cả cán bộ y tế trực tiếp tham gia cấp cứu xử lý các trường hợp sốc phản vệ ngay tại các điểm tiêm. Theo đó các trường hợp có bệnh nền, có dị ứng sẽ tạm thời chưa tiêm các đối tượng này. Lực lượng y tế cũng luôn sẵn sàng trực tại các trung tâm y tế huyện, sẵn sàng thuốc, xe vận chuyển… để xử lý kịp thời khi không may có trường hợp xảy ra.

Ông Tuyên cho biết: “Chúng tôi cũng đã tập huấn chi tiết cho những cán bộ y tế, những người tình nguyện hướng dẫn những người được tiêm, sắp tiêm. Sau tiêm, người dân phải được theo dõi tại nơi tiêm 30 phút, sau đó tự theo dõi tại nhà từ 24-48 giờ tiếp theo”.

Hiện nay, Việt Nam đang cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vắc xin để tránh tình trạng tranh mua, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: Tất cả các nguồn vắc xin đều phải được Bộ Y tế kiểm định về chất lượng và cấp giấy phép thì mới được nhập vào Việt Nam, lưu hành và được phép tiêm.

Để tránh tình trạng cạnh tranh mua vắc xin giữa doanh nghiệp và Nhà nước (cụ thể là Bộ Y tế), theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế sẽ thống nhất với các địa phương, các doanh nghiệp để điều tiết tổng số vắc xin trong kế hoạch, điều tiết đối tượng ưu tiên tiêm theo thứ tự. “Các đối tượng ưu tiên tiêm theo thứ tự cũng thực hiện theo hướng dẫn từ Bộ Y tế. Đây là chiến dịch tiêm chủng trong phòng chống dịch, chưa phải tiêm chủng mở rộng, nên đối tượng nào tiêm trước, tiêm sau cần phải có một đơn vị điều tiết" - Thứ trưởng Tuyên nói.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Ngân Thương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận