Đã đủ điều kiện mở lại đường bay quốc tế
Tại Toạ đàm trực tuyến: "Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn", do Báo Giao thông tổ chức ngày 10/11, đã có nhiều ý kiến gợi mở để giúp cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra được quyết định xác đáng, phù hợp với diễn biến dịch bệnh hiện nay.
Ngày 8/11/2021, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành kế hoạch mở lại chuyến bay quốc tế, đưa khách đến Việt Nam. Theo ông Võ Huy Cường- Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), đây là điều đáng mừng, sau gần 2 năm Việt Nam dừng các chuyến bay quốc tế. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Kế hoạch của Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xuất phát từ thực tiễn, từ kinh nghiệm các nước và từ chính nhu cầu cuộc sống, để tái lập các chuyến bay vì nhiều mục đích khác nhau như: Thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, nghiên cứu thị trường, ngoại giao…
Việc mở lại các chuyến bay quốc tế đang rất được mong mỏi, ông Nguyễn Quang Trung- Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển hãng Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines), bày tỏ: Các hãng hàng không và các công ty lữ hành, du lịch trong nước đang vô cùng sốt ruột. Nguyên do, tất cả các hãng đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn, nếu tiếp tục đóng cửa, thị trường sẽ không có, đồng nghĩa nhiều doanh nghiệp có nguy cơ biến mất trên thị trường. Cùng đó, xét về cạnh tranh của quốc gia, cạnh tranh điểm đến so với các nước trong khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu chúng ta chậm chân hơn các nước trong khu vực thì sẽ không còn cơ hội. Hiện Singapore, Thái Lan đã mở cửa khai thác thường lệ và đặc biệt là phục vụ cho khách đi/đến hai quốc gia này. “Việc chúng ta chậm triển khai các bước mở cửa lại cho khách du lịch sẽ dẫn đến cạnh tranh điểm đến của Việt Nam thời gian tới”, đại diện Vietnam Airlines nhấn mạnh.
![]() |
Mở cửa đường bay quốc tế cần đảm bảo các điều kiện an toàn, phù hợp |
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân- Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - cũng đồng tình, nhấn mạnh: Điều kiện mở cửa đường bay quốc tế hiện rất thuận lợi. Chúng tôi đã có chương trình triển khai tới toàn bộ các đơn vị trực thuộc, tất cả các công ty phục vụ mặt đất, các đơn vị hàng không/phi hàng không… để đảm bảo thực hiện chương trình xanh (hạ tầng, phương tiện xanh, con người xanh…).
Riêng về nhu của khách hàng, ông Võ Huy Cường thông tin thêm: Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, nhu cầu của công dân về nước khoảng 200.000 người, con số này khá lớn. Bên cạnh đó, nếu tạo điều kiện cho bà con Việt kiều về nước trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, con số có thể gấp đôi. Hay những người nước ngoài làm việc ở Việt Nam và thân nhân của họ muốn đến Việt Nam để thăm thân cũng không nhỏ. “Tôi ước tính, đến tháng 2/2022, khoảng nửa triệu khách sẽ đến Việt Nam. Lúc này, các khách sạn có đủ điều kiện, chứng chỉ mà cơ quan y tế cấp, khách hàng có thể dựa vào chứng chỉ này để đăng ký khách sạn và vào ở, với điều kiện đã tiêm đủ 2 mũi vaccine”, ông Võ Huy Cường nhấn mạnh.
Mở cửa có lộ trình, đảm bảo an toàn
Có thể thấy, việc mở lại các chuyến bay quốc tế là phù hợp và đúng thời điểm, tuy nhiên vấn đề được quan tâm là làm thế nào để thuận tiện cho du khách, đồng thời bảo vệ được thị trường trong nước trước nguy cơ lây nhiễm dịch.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý ngành, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Kế hoạch mở lại các chuyến bay quốc tế được Bộ GTVT đề xuất bao gồm từng giai đoạn cụ thể: Giai đoạn đầu tiên là tiếp tục các chuyến bay cứu hộ công dân, sử dụng rộng rãi hình thức khách tự trả chi phí cách ly nhập cảnh Việt Nam. Tiếp đó là giai đoạn thí điểm tổ chức chuyến bay đón du lịch quốc tế, sau đó sẽ mở cửa từng bước các chuyến bay, trong đó có những thị trường trọng điểm mà chúng ta quan tâm bởi năng lực chống dịch tương đồng với Việt Nam, như: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga... Giai đoạn cuối cùng sẽ là giai đoạn trở lại bình thường như trước dịch.
“Trong đó, giai đoạn thí điểm là cực kỳ quan trọng. Chúng ta cần có thỏa thuận song phương với các nước dự kiến mở đường bay, thống nhất về tần suất, số hãng tham gia khai thác, cách khai thác, thống nhất quy trình cách ly sau nhập cảnh...”, ông Võ Huy Cường cho hay.
Tại buổi toạ đàm, các diễn giả cũng đồng tình cho rằng, việc chia giai đoạn mở lại đường bay quốc tế là đủ thận trọng, đủ cần thiết, tránh tối đa tình huống mở ra lại đóng lại. Tuy nhiên vẫn cần lựa chọn những thị trường từ các quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, tỉ lệ tiêm phòng cao, có tỉ lệ khách du lịch tới Việt Nam cao, nhu cầu đi lại làm việc lớn, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ...
Trước băn khoăn về chính sách nhập cảnh hiện nay quá thận trọng, ảnh hưởng tới việc mở lại các chuyến bay quốc tế và thu hút du khách, ông Nguyễn Quang Trung, cho rằng: Chính sách 7 ngày cách ly tập trung và 7 ngày cách ly tại nhà chỉ phù hợp với khách hồi hương, nếu muốn thu hút khách du lịch, thì phải thay đổi chính sách cách ly. Theo đó, đại diện Vietnam Airlines đề xuất bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những thị trường được đánh giá kiểm soát dịch tốt, tỷ lệ dân cư đã tiêm vaccine cao, khách đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm Covid-19 âm tính trước và sau chuyến bay thì có thể không cách ly hoặc cách ly 1 ngày.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế- cũng cho rằng: Quy định cách ly 7 ngày với người nhập cảnh là quá thận trọng, trong khi Việt Nam đang có tỷ lệ tiêm chủng cao. Nên việc chúng ta kéo dài thời gian thí điểm cách ly 7 ngày sẽ gây cản trở, ảnh hưởng đến du lịch, khách hàng, cạnh tranh quốc tế.