M&A bất động sản: Nhà đầu tư trong nước còn cơ hội

Bên lề Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi nhanh với bà Nguyễn Thị Mỹ Phương - Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản (BĐS) Tiến Phước - về xu hướng và kinh nghiệm M&A trong lĩnh vực BĐS tại Việt Nam.

Xin bà cho biết xu hướng M&A hiện nay của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản? Ưu thế của các nhà đầu tư trong nước là gì, thưa bà?

Từ cuối năm ngoái, các hoạt động M&A chủ yếu tập trung vào dự án bất động sản như khách sạn, văn phòng, phân khúc trung và trung cao cấp. Xu hướng M&A của các nhà đầu tư trong nước hiện nay là bất động sản cao tầng, thấp tầng của phân khúc tầm trung và trung cao cấp. Trong khi đó, xu hướng M&A của nhà đầu tư ngoại lại đa dạng, cả ở phân khúc trung bình và trung cao cấp, từ nhà ở đến nghỉ dưỡng.

\"\"

 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương - Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản (BĐS) Tiến Phước

Với kinh nghiệm hơn 8 năm về mua bán sáp nhập (đã M&A các dự án như: Estella, Estella Heights, Palm City và Empire City), tôi nhận thấy rằng, lợi thế của nhà đầu tư trong nước là sự am hiểu về địa phương, thị trường, cách triển khai dự án, khuôn khổ pháp lý, đã có thị phần, thương hiệu doanh nghiệp, tính hiệu quả cũng như kinh nghiệm thu hồi đất và kinh doanh lâu dài, đảm bảo đầu tư dài hạn.

Các nhà đầu tư trong nước nói chung, Tiến Phước nói riêng, có gặp khó khăn gì khi quyết định tham gia vào các thương vụ M&A hay không, thưa bà?

Tham gia vào thương vụ M&A, tìm kiếm đối tác phù hợp là nhiệm vụ khó khăn nhất. Với Tiến Phước, chúng tôi luôn tìm kiếm những đối tác phù hợp như: Có chiến lược, văn hóa và đạo đức kinh doanh để bảo đảm hợp tác lâu dài, hai bên đều có lợi.

Cụ thể, sau 8 năm mua - bán, sáp nhập, chúng tôi đã có 2 đối tác là Keppel Land và Gaw Capital Partners, họ đều xem Tiến Phước là đối tác chiến lược. Trước khi tham gia một thương vụ M&A, công ty chắc chắn cần phải giải một số bài toán như giao dịch này sẽ đem lại lợi ích gì cho công ty và đối tác sẽ giúp gia tăng thêm giá trị gì cho doanh nghiệp hay dự án. Đôi khi, Tiến Phước phải đối mặt với nhiều thách thức như làm thế nào để cân bằng lợi ích kinh tế và giá trị vô hình, giữa kết quả tiền tệ và lợi ích lâu dài. Chúng tôi giải những câu hỏi này bằng cách nhìn vào chiến lược lâu dài và xác định thứ tự ưu tiên.

Vấn đề là làm sao để hài hòa kỳ vọng giữa các đối tác, giữa nhà đầu tư hiện hữu và mới về mặt sản phẩm, phân khúc thị trường, cách thức triển khai. Đặc biệt, khi 4 nhà đầu tư đã tham gia vào công ty liên doanh trong dự án Empire City, điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực và kỹ năng lãnh đạo của Tiến Phước để hài lòng các bên tham gia.

Trong tương lai, Tiến Phước có tiếp tục theo đuổi xu hướng M&A và hợp tác với các đối tác khác trong việc phát triển các dự án tại Việt Nam hay không?

Với 4 thương vụ M&A trong 8 năm qua, Tiến Phước đã có kinh nghiệm chọn nhà đầu tư, thương lượng, vượt qua thử thách, biết cách xây dựng công ty liên doanh… Chúng tôi sẽ tăng cường quy mô và mua – bán, sáp nhập. Tiến Phước sẽ tìm kiếm những cơ hội M&A với các đối tác đang triển khai dự án, không chỉ trong lĩnh vực BĐS mà ở cả những lĩnh vực khác.

Trong 3-5 năm tới, chiến lược của chúng tôi là đẩy mạnh các ngành khác trong danh mục như y tế, nghỉ dưỡng và xử lý nước. Để xây dựng một danh mục đa dạng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong những ngành này.

Xin cảm ơn bà!

Dự án Empire City Thủ Thiêm (Q.2, TP. Hồ Chí Minh) có tổng vốn đầu tư tới 1,2 tỷ USD, do Công ty TNHH Liên doanh Empire City làm chủ đầu tư. Liên doanh này gồm đối tác trong nước là Công ty BĐS Tiến Phước, Công ty BĐS Trần Thái và đối tác nước ngoài là Công ty Denver Power Ltd (Vương quốc Anh) với tỷ lệ góp vốn 50/50. Đây là dự án M&A điển hình trong lĩnh vực BĐS giữa DN Việt Nam và DN nước ngoài.
Long - Dương (Thực hiện)
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận