Lục Ngạn: Tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản

Thời điểm này, nhiều nông sản của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, để sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, huyện đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chủ động trong mọi tình huống

Theo UBNH huyện Lục Ngạn, có 2 tình huống được huyện đặt ra, đó là: Dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên tại tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng tình hình dịch được kiểm soát và tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện.

Sản phẩm cây ăn quả có múi huyện Lục Ngan tiêu thụ tốt
Sản phẩm cây ăn quả có múi huyện Lục Ngan tiêu thụ tốt

Đối với tình huống thứ nhất sẽ khiến hoạt động chăm sóc, sản xuất, thu hoạch nông sản diễn ra bình thường, tuy nhiên hoạt động tiêu thụ sẽ bị hạn chế. Do vậy, hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả tươi, ngoài ra có thể chế biến bằng hình thức ép nước đóng lon, sấy khô…

Dự kiến, có khoảng 55.000 tấn quả tươi được tiêu thụ, tập trung vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…; đồng thời làm việc với nhà phân phối, tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam như: GO, SaiGon.Coop, Happro, Vinmart, Vinmart ++ … để đưa sản phẩm cam, bưởi Lục Ngạn vào kênh phân phối của hệ thống; phối hợp với các sàn thương mại điện tử như: dacsanlucngan.com, voso (viettelpost), Lazada, Postmart (Vnpost)… tăng cường quảng bá, bán hàng. Bên cạnh đó, sẽ chế biến khoảng 5.000 tấn, bằng hình thức ép nước đóng lon, sấy khô qua các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) như: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu, HTX Lục Ngạn xanh...

Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, UBND huyện Lục Ngạn sẽ thường xuyên thông tin cho thương nhân thu mua cam, bưởi về tình hình sản xuất, quy định về lưu thông hàng hóa trên thị trường tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thu mua cam, bưởi tại vườn, cụm thôn, xóm, xã chưa có dịch.

Theo đó, tiêu thụ sẽ chủ yếu bán quả tươi tại các vườn khoảng 95% tổng sản lượng; qua chế biến 5% bằng hình thức ép nước đóng lon, sấy khô tại các cơ sở chế biến trên địa bàn.

Lãnh đạo huyện Lục Ngạn cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 561 xe ô tô vận tải các loại, đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển nội bộ và vận chuyển ra ngoài huyện trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đảm bảo quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Đối với phương tiện vận chuyển vào thu mua tại các thôn, xóm, xã phải thực hiện cách ly y tế, giãn cách xã hội. Vấn đề này huyện giao phòng Kinh tế và Hạ tầng tham mưu, hướng dẫn cấp giấy vận chuyển hàng hóa trên cơ sở thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch.

Quảng bá giá trị cây có múi qua du lịch

Thông tin tại buổi họp báo về sản xuất, tiêu thụ cam, bưởi huyện Lục Ngạn, tổ chức ngày 11/11, ông La Văn Nam – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn – cho biết, hiện nay, toàn huyện có gần 28.000 ha cây ăn quả các loại; trong đó, vải thiều trở thành thương hiệu được định danh, định vị vững chắc ở thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh quả vải thì cam, bưởi… cũng là những trái cây đặc sản và đã được cấp nhãn hiệu tập thể.

ông La Văn Nam – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn
Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn phát biểu tại buổi họp báo ngày 11/11

Tại thời điểm này huyện Lục Ngạn đang vào vụ thu hoạch, tiêu thụ các sản phẩm trái cây như bưởi da xanh, bưởi ngọt, cam ngọt, cam lòng vàng, ổi, táo… Đây là những loại quả chất lượng cao, được sản xuất theo quy trình an toàn, đã khẳng định được uy tín chất lượng ở các thị trường lớn trong nước.

Để các sản phẩm nông sản của Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng được người tiêu dùng tin yêu, đón nhận nhiều hơn nữa, những năm qua, Lục Ngạn đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, tiêu thụ các loại trái cây và sản phẩm đặc trưng của huyện. Đặc biệt, qua 5 năm tổ chức Ngày hội Trái cây và Hội chợ cam, bưởi, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn đã tạo được sức lan tỏa lớn, trái cây và các sản phẩm đặc trưng của huyện được tiêu thụ thuận lợi hơn.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang định hướng phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch, văn hóa. Theo định hướng phát triển của tỉnh, Lục Ngạn cũng xây dựng kế hoạch du lịch mùa cam, bưởi. Việc xây dựng điểm du lịch trước mắt tập trung vào các xã có HTX hoạt động kinh doanh du lịch như: Tân Quang, Hồng Giang, Trù Hựu, Quý Sơn, Mỹ An, Tân Mộc... Các HTX sẽ xây dựng sản phẩm du lịch của đơn vị mình (lịch trình ăn, chơi, tham quan, mua sắm, ngủ, nghỉ…); lựa chọn hộ gia đình có vườn cây đẹp, đi lại thuận tiện; chủ nhà thân thiện, nhiệt tình, có đủ điều kiện đón tiếp khách du lịch (kể cả khách du lịch nghỉ qua đêm); tổ chức ký cam kết với nhà vườn về việc tham gia chương trình du lịch đảm bảo phục vụ tốt, chuyên nghiệp theo yêu cầu của huyện.

Đối với các địa điểm, thắng cảnh đẹp, không có HTX, công ty chuyên về du lịch hoạt động sẽ thành lập các Tổ dịch vụ du lịch với nòng cốt là Ban Quản lý thôn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân làm đầu mối để liên hệ, kết nối với các đoàn khách, công ty du lịch lữ hành và tổ chức hoạt động đón, phục vụ du khách. Nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây là hướng đi mới nhưng đầy hứa hẹn cho phát triển của mảnh đất bán sơn cước hữu tình.

Trong khuôn khổ hội nghị trực tuyến Xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi, na và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang, diễn ra sáng ngày 11/11, huyện Lục Ngạn, đã tổ chức 15 gian trưng bày cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng như: Các loại trái cây, mỳ Chũ, rượu Kiên Thành, mật ong, phấn hoa, gạo, đỗ, lạc, măng khô, đặc sản vùng cao...
Thanh Tâm- Lan Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận