Huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) có điều kiện thuận lợi về tự nhiên, thổ nhưỡng, có rất nhiều tiềm năng phát triển các loại trái cây ăn quả. Trên địa bàn hiện đã có trên 27.000 ha cây ăn quả, trong đó vải thiều chiếm 15.290 ha, sản lượng bình quân đạt 100.000 tấn/năm; cây có múi (bưởi, cam) chiếm 6.440 ha, sản lượng năm 2018 ước đạt trên 53.000 tấn; còn lại là diện tích cây ăn quả khác như ổi, nhãn, táo… Ngoài ra, tại Lục Ngạn còn có những sản phẩm truyền thống, đặc trưng vùng miền như rượu, mật ong, mỳ gạo…
![]() |
Họp báo giới thiệu Hội chợ Cam, Bưởi và sản phẩm đặc trưng Lục Ngạn 2018 |
Để khai thác hiệu quả những lợi thế nêu trên, Lục Ngạn xác định phát triển các loại trái cây theo hướng đa dạng, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, từng bước đưa huyện trở thành một vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020. Bên cạnh các giải pháp về cơ chế, chính sách, khuyến nông…, huyện Lục Ngạn rất chú trọng phát triển thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm của địa phương, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại hỗ trợ nông dân giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước và nhận được sự ủng hộ, chỉ đạo tích cực của tỉnh Bắc Giang, của Bộ Công Thương...
![]() |
Sản phẩm bưởi, cam Lục Ngạn |
Tiếp nối thành công hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ vải thiều vụ thu hoạch vừa qua, từ ngày 24-29/11/2018 tới đây, huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức “Hội chợ Cam, Bưởi và các sản phẩm đặc trưng Lục Ngạn” năm 2018. Tại cuộc họp báo giới thiệu sự kiện này diễn ra ngày 14/11/2018, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Đây là lần thứ 3 huyện tổ chức Ngày hội Cam, Bưởi trên địa bàn. Rút kinh nghiệm 2 lần tổ chức trước chủ yếu chỉ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, năm nay huyện mở rộng cả qui mô lẫn thời gian diễn ra sự kiện, thay đổi hình thức từ “Ngày hội Cam, Bưởi Lục Ngạn” thành “Hội chợ Cam, Bưởi và các sản phẩm đặc trưng Lục Ngạn”, nhằm mục tiêu không chỉ tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, mà quan trọng hơn là giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm trái cây trực tiếp, kết nối tiêu thụ sản phẩm tới các kênh phân phối, bán lẻ lớn. Đồng thời đánh giá, lựa chọn các sản phẩm đặc trưng, vùng miền của các xã tham gia Hội chợ này để công nhận theo chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm đặc trưng), qua đó định hướng, có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng tập trung, liên kết, chất lượng cao, sản xuất sạch, xây dựng thương hiệu và tổ chức đầu ra…
![]() |
Vườn cam tại thôn Mào Gà, Phượng Sơn, Lục Ngạn |
Đến nay, quả vải thiều của Lục Ngạn đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến, đồng thời xuất khẩu đi hơn 30 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, Úc, EU... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Bình, các loại trái cây có múi hầu hết vẫn chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước, chưa thể xuất khẩu trái cây tươi do khâu giống, chế biến, sơ chế… chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Để tạo đầu ra ổn định cho trái cây có múi, huyện Lục Ngạn sẽ định hướng cho nông dân sản xuất theo mô hình công nghệ cao, lựa chọn giống cây tốt có năng suất, chất lượng (cần sự hỗ trợ từ các cơ quan nghiên cứu khoa học…), sản xuất sạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc xuất xứ, liên kết với doanh nghiệp để chế biến sâu. UBND huyện Lục Ngạn đã bày tỏ mong muốn mời gọi Công ty Chế biến thực phẩm Đồng Giao về Bắc Giang đặt một nhà máy chế biến hoa quả, trái cây tươi để xuất khẩu sản phẩm theo chủ trương thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.