Lực lượng quản lý thị trường: Nâng cao năng lực thực thi công vụ

Nhằm ngăn chặn những biểu hiện lệch chuẩn đạo đức công vụ, lực lượng quản lý thị trường cần nâng cao năng lực thực thi công vụ cho cán bộ, công chức.
Năm 2024, Quản lý thị trường TP. Cần Thơ phát hiện 578 vụ vi phạmĐộng thái mới nhất của nhà điều hành về quản lý thị trường vàngNăm 2024, Quản lý thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện 663 vụ vi phạm

Đạo đức công vụ - yêu cầu tất yếu trong quá trình đổi mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Trung thành với những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong công tác cán bộ Đảng ta coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc.

Đạo đức công vụ là hệ thống các nguyên tắc, các quy tắc hành vi, xử sự trong công vụ, nhằm điều chỉnh thái độ, hành vi, cách xử sự, chức trách, bổn phận, nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ và những người khác khi được uỷ quyền thực thi công vụ (từ khía cạnh chủ quan). Từ góc độ khách quan, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức là thái độ, hành vi, cách xử sự, việc thực hiện chức trách, bổn phận, nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ.

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Ảnh: TCQLTT

Theo đó, một trong những tiêu chuẩn của đạo đức công vụ có thể kể đến như: Trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; có lối sống lành mạnh, tác phong mẫu mực, mẫn cán của người cán bộ, công chức, có tinh thần trách nhiệm cao trong hoạt động công vụ; có tinh thần tập thể cao, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ công vụ; có tinh thần vì dân.

Xã hội ngày càng tiến lên văn minh, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, thì tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân càng cần được cơ quan đảng, nhà nước từ trung ương đến địa phương lấy làm tiêu chí đánh giá cán bộ.

Đối với lực lượng quản lý thị trường - lực lượng chuyên trách được tổ chức từ Trung ương đến huyện, có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đã có rất nhiều điểm sáng, nhiều sự cống hiến hy sinh thầm lặng, những tấm gương điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các thế hệ cán bộ của lực lượng quản lý thị trường.

Đó là hình ảnh về những người liệt sỹ, những người cán bộ kiểm soát viên thị trường đã anh dũng hy sinh ngay cả trong thời bình khi đang làm nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, giữa muôn vàn khó khăn, hiểm nguy để đổi lại sự an toàn và bình yên cho xã hội; là bản lĩnh của những kiểm soát viên mỗi khi thực thi công vụ phải đối mặt với những tình huống khó khăn, phức tạp phát sinh trên thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh vẫn còn một bộ phận cán bộ hạn chế về trình độ, kỹ năng quản lý, chậm đổi mới tư duy và phong cách làm việc để thích ứng với tình hình mới. Không ít cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Vẫn còn các sự việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến một số cán bộ, công chức quản lý thị trường vi phạm pháp luật, phải xử lý hình sự.

Chấn chỉnh các hành vi lệch chuẩn, nâng cao năng lực thi hành công vụ

Để chấn chỉnh các hành vi lệch chuẩn, nâng cao đạo đức thi hành công vụ cho lực lượng quản lý thị trường cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách. Việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đạo đức công vụ cần đặt trong mục tiêu tổng thể xây dựng một hệ thống pháp luật bao quát toàn diện và đồng bộ các khía cạnh về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức và đạo đức nghề nghiệp của viên chức; điều chỉnh các hành vi và các mối quan hệ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, cần rà soát, kiện toàn hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các kẽ hở để cán bộ, công chức không bị sa vào tham nhũng, tiêu cực; xác định rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Việc hoàn thiện quy định pháp luật về đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đạo đức công vụ trong quá trình thực thi công vụ của công chức là một đòi hỏi tất yếu, khách quan và cần được thực hiện đồng bộ. Qua đó, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: TCQLTT

Thứ hai: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; phát huy tính tích cực, chủ động, nâng cao ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện đạo đức công vụ của công chức

Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức công vụ nhầm giúp cho công chức hiểu rõ vị trí, vai trò cùa công chức; nhiệm vụ công việc, trách nhiệm, quyền hạn của công chức trong bộ máy hành chính nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó, chấn chỉnh lối sống, tác phong, thái độ, hành động, việc làm của công chức phù họp chuẩn đạo đức, nâng cao ý thức tự rèn luyện phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Đạo đức cách mạng nói chung, đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức nói riêng không phải tự nhiên mà có hay “trên trời rơi xuống”. Mà đó là kết quả của quá trình tu dưỡng, “rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Để rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng nói chung, đạo đức công vụ nói riêng, trước hết “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”, có như vậy Đảng ta mới ngày càng trong sạch; công chức của chúng ta mói thực sự là công bộc, là đầy tớ của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ.

Thứ ba: Tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyển hạn của công chức, định kỳ khen thưởng và kỷ luật trong hoạt động công vụ

Trong công tác quản lý công chức, kiểm tra, đánh giá năng lực và đạo đức là khâu then chốt, làm cơ sở cho những công tác khác như: đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật... Trong đó, việc kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ công chức là một việc làm cần thiết để ngăn ngừa, khác phục lệch chuẩn đạo đức công vụ.

Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cần có các hình thức khen thưởng hay kỷ luật kịp thời để làm gương cho người khác. Bởi vì, đối với việc khác phục lệch chuẩn đạo đức công vụ, kỷ luật là biện pháp có tính răn đe, giáo dục rất cao và hữu hiệu nhất để thức tỉnh cán bộ, công chức.

Thứ tư: Khuyến khích công chức tự đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi công vụ. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức cần đảm bảo tính liên kết giữa đào tạo, bồi dưỡng công chức mới với đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu theo từng chức năng, nhiệm vụ quản lý cho công chức nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho công chức.

Xây dựng mô hình chuẩn về đào tạo công chức, trong đó quy định rõ cách thức đào tạo cho từng loại công chức như đào tạo kiến thức cơ bản về chuyên ngành cho công chức mới vào ngành, bồi dưỡng cơ bản về những kiến thức cơ bản cần thiết để công chức thực hiện công tác được phân công; bồi dưỡng chuyên sâu, chuyên ngành, kỹ năng thành thạo và kinh nghiệm xử lý các vấn đề trong thực tiễn; đào tạo, bồi dưỡng mỗi khi có thay đổi về chính sách, quy trình quản lý.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn chung kiến thức quản lý Nhà nước, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ cũng như kỹ năng giao tiếp ứng xử, văn hoá công sở và đạo đức cho công chức. Bên cạnh đó, kết hợp tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên sâu về kỹ năng quản lý đối với công chức, đặc biệt là lĩnh vực thanh tra chuyên ngành công thương.

Khuyến khích công chức đang làm việc đi học nâng cao trình độ chuyên môn theo ngành, lĩnh vực để kịp thời nắm bắt các thay đổi trong công tác quản lý, với nhiều hình thức khác nhau như: Học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp, quan sát học hỏi đồng nghiệp trong đơn vị… Mỗi công chức quản lý thị trường phải tự ý thức được việc nâng cao năng lực thực thi công vụ là trách nhiệm, là nhiệm vụ thường xuyên.

Thứ năm: Xây dựng và triển khai đề án xác định vị trí việc làm, định biên tiêu chuẩn chức danh công chức. Hoàn thiện vị trí việc làm đã được phê duyệt trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, xây dựng tiêu chí ứng xử nhằm đề cao trách nhiệm và đạo đức công vụ của công chức, người lao động. Kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các phòng, đội quản lý thị trường đảm bảo nguyên tắc “một đầu mối - một việc xuyên suốt”.

Tiếp tục hoàn thiện và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các phòng, đội nhất là các Đội cơ động, Đoàn kiểm tra liên ngành, tránh chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Thường xuyên bố trí, phân công nhiệm vụ hợp lý cho các công chức, người lao động để đáp ứng tốt nhiệm vụ.

Xu thế hội nhập quốc tế hiện nay đang đặt ra những đòi hỏi cao hơn về đạo đức công vụ nhằm tăng cường tính trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả để thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tăng cường pháp luật về đạo đức công vụ trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang trở thành một điều kiện quan trọng không chỉ của nền hành chính quốc gia, mà còn là yêu cầu trong quá trình đổi mới và toàn cầu hóa hiện nay.

Nguyễn Thị Yến
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận