Loa kéo tham gia phòng, chống COVID-19 ở vùng cao, biên giới

Buộc sau xe máy chiếc loa kéo, người cán bộ làm công tác tuyên truyền cứ thế vượt dốc, xuyên rừng đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Sau xe, chiếc loa kéo bền bỉ phát ra các nội dung thông tin hướng dẫn bà con phòng, chống COVID-19. Đến bản người Thái, chiếc loa phát tiếng Thái, lên bản người Mông, chiếc loa phát tiếng Mông… Xen giữa các bản tin là những ca khúc rộn ràng, vang động núi rừng.

Với địa hình đồi núi, sông suối đan xen nên nhiều thôn bản vùng miền núi, sóng phát thanh - truyền hình chưa đến được với người dân. Chính vì vậy, để thông tin kịp thời lên với các bản làng vùng sâu, vùng xa… nhiều địa phương đã lựa chọn cách thức tuyên truyền thông qua phương tiện là loa phát thanh di động - đồng bào địa phương quen gọi là loa kéo.

Bộ đội Biên phòng vượt núi, chở loa, truyền thông tin đến với bà con dân tộc ở các bản làng xa xôi

Loa kéo có kích thước nhỏ gọn, trọng lượng vừa phải (khoảng 20 - 30kg) nên có thể dễ dàng buộc sau xe máy. Loa có thể phát thanh trực tiếp qua hệ thống micro, hoặc qua file âm thanh mp3, mp4 bằng hình thức cắm trực tiếp thiết bị USB hoặc cảm ứng bluetooth từ điện thoại/các thiết bị khác. Nếu sạc pin đầy, loa kéo có thể sử dụng trong thời gian 3 - 4 giờ đồng hồ, giá mỗi bộ loa kéo trọn bộ khoảng 3 triệu đồng. Với kích thước nhỏ gọn, loa kéo thường được các tuyên truyền viên buộc sau xe máy, di chuyển khắp các nẻo đường, bản làng, cụm dân cư… Tuỳ theo đối tượng cần tuyên truyền là đồng bào Mông, Khơ mú, hay Thái… mà các tuyên truyền viên chuẩn bị phần thu âm bằng thứ tiếng gì cho phù hợp. Nội dung thông tin cũng làm sao dễ hiểu, dễ nhớ để mọi người dân, từ già tới trẻ ở các bản làng đều nghe và hiểu được. Đặc biệt với âm lượng lớn, loa có thể phát cho nhiều người cùng nghe. Hơn thế, do có thể chở bằng xe máy, nên các tuyên truyền viên không chỉ vào bản, mà còn có thể lên nương - nơi bà con tập trung làm việc - để mở loa tuyên truyền.

Cũng nhờ có những chiếc loa kéo linh hoạt này mà thông tin về phòng, chống COVID-19… đã đến được với người dân rất kịp thời, hiệu quả. Có loa kéo nhắc nhở, bà con thêm an tâm, đồng thuận chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch của Thủ tướng Chính phủ. “Tiếng loa di động”, “Tiếng loa biên phòng”… theo đó trở thành những hình thức tuyên truyền được các hội đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh triển khai ngày càng nhiều.

Nhắc về những chiếc loa kéo xuất hiện thời gian gần đây ở bản làng, ông Già Chồng Nênh - xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết: “Vì Covid-19 nên không được họp dân, dân không biết thông tin về COVID -19 nên hoang mang. Nay nghe loa kéo tuyên truyền bằng tiếng đồng bào mình thì mọi người đều nghe và hiểu hết. Nhờ loa kéo mà bà con trong bản cẩn thận hơn, canh giữ quyết không cho con COVID-19 vào bản làng”.

Còn với ông Hồ Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã A Vao, Đắk Rông (Quảng Trị) thì chiếc loa kéo đang được xã A Vao sử dụng triệt để vì nó phù hợp với địa hình cách trở, chủ yếu di chuyển bằng xe máy của A Vao. “Loa kéo tuyên truyền phòng, chống COVID-19 đến tận mọi ngõ nghách, thôn bản; mọi người dân đều nghe được, biết được một cách nhanh nhất; qua đó, ý thức người dân ngày càng được nâng lên, bà con không còn hoang mang với những nguồn tin không chính thống và thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh”.

Rõ ràng, trong điều kiện không thể tổ chức hội họp, sinh hoạt bản; facebook, zalo, điện thoại tại các địa bàn vùng sâu còn chưa phổ biến, thì loa kéo đang phát huy tác dụng rất tốt, bên cạnh các hình ảnh trực quan như pa nô, áp phích. Thiết nghĩ, hình thức tuyên truyền thông qua loa kéo rất cần được quan tâm, nhân rộng… để thông tin có thể đến với bà con theo cách gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt là trong thời điểm COVID-19 lan rộng, chống dịch trở thành nhiệm vụ hàng đầu của mỗi thôn, bản, xã phường, xóm ấp.

Tú Phương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận