Lai Châu đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến

Với lợi thế về vùng nguyên liệu, sản phẩm nông lâm nghiệp và đặc biệt là cây chè… tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng kinh tếNhiệm vụ mới cho công nghiệp chế biến, chế tạoKiên Giang: Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng

Công nghiệp chế biến trên đà phát triển

Những năm gần đây, nông lâm sản chế biến trên địa bàn tỉnh Lai Châu phát triển, hàng hóa đa dạng, phong phú hơn về chủng loại, mẫu mã. Có được bước tiến đó là do những năm qua địa phương và ngành Công Thương tỉnh Lai Châu chú trọng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm nông lâm sản lợi thế.

Lai Châu có lợi thế nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến. Ảnh: Phương Ly

Đến với Lai Châu hôm nay, trên các cung đường, địa phương đã thấy xuất hiện nhiều hơn các nhà máy chế biến nông lâm sản, hợp tác xã, nhà máy chế biến chè với những đồi chè, vùng nguyên liệu xanh mướt…

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lai Châu, năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương ước đạt 8.651,3 tỷ đồng, vượt 9,9% kế hoạch và tăng 34,6% so với thực hiện năm 2023. Trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của Lai Châu như: Công nghiệp sản xuất điện với giá trị sản xuất ngành công nghiệp điện ước đạt 7.277,5 tỷ đồng, công nghiệp sản xuất điện chiếm tỷ trọng lớn (84,1%) trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Lai Châu. Tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị sản xuất ước đạt 1.161,5 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch và tăng 24,4%.

Lai Châu đã gia tăng cơ sở công nghiệp chế biến trong những năm gần đây. Ảnh: PL

Xét về thực hiện chỉ tiêu theo nghị quyết Đảng hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV giai đoạn 2020 – 2025, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt giá trị sản xuất ước đạt 4.454 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,1%/năm, vượt so với mục tiêu (mục tiêu 15,3%); chiếm 12,1% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Về công nghiệp chế biến, trên địa bàn tỉnh Lai Châu tập trung chủ yếu ở ngành chế biến nông, lâm, thủy sản. Trong đó phát triển nhanh và mạnh nhất ở ngành chế biến chè với 40 cơ sở chế biến chè gắn với vùng chè nguyên liệu tập trung tại địa bàn các huyện Tam Đường, Tân Uyên, thành phố Lai Châu. Ngoài ra còn có 2 nhà máy chế biến mắc ca đang được đầu tư xây dựng với công suất 6.000 tấn quả tươi/nhà máy/năm; 1 hợp tác xã chế biến chuối với công suất 100 tấn chuối tươi nguyên liệu/năm. Ngoài ra còn có một số cơ sở chế biến quế quy mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu là tinh dầu quế, tiêu thụ trong nước; gần 80 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ; 04 cơ sở chế biến sản phẩm thủy sản. Các cơ sở chế biến, chế tạo cơ bản duy trì hoạt động ổn định gắn với các vùng nguyên liệu; chú trọng việc cải tiến công nghệ, thiết bị, mẫu mã sản phẩm, đảm bảo chất lượng.

Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Lai Châu đạt 20,11 triệu USD, bằng 112% kế hoạch, tăng 31,9% so với năm 2023 (giá trị xuất khẩu hàng địa phương đạt 15,13 triệu USD, bằng 163,2% kế hoạch, tăng 87,3% so với năm 2023). Các mặt hàng xuất khẩu gồm chè khô chế biến, vỏ cây bời lời, cây mía đường tươi, hạt lạc nhân, hạt húng quế…

Thu hút đầu tư, nâng cao giá trị hàng hóa

Theo đánh giá của ngành Công Thương Lai Châu, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tỉnh Lai Châu đã xây dựng, đề ra chính sách, đề án, chương trình trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư vào địa bàn.

Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến để phát huy lợi thế vùng nguyên liệu. Ảnh: PL

Về sản xuất công nghiệp, Lai Châu đề ra mục tiêu hướng đến giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 phấn đấu đạt trên 8.850, tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2024. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn năm 2025 ước đạt 27,82 triệu USD, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2024, trong đó giá trị xuất khẩu hàng hóa của địa phương đạt 16,64 triệu USD, tăng 10% so với ước thực hiện năm 2024…

Để đạt được những chỉ tiêu nói trên, lĩnh vực công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến nói riêng của Lai Châu cần có thêm sự “chuyển mình”, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát huy những tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Tỉnh Lai Châu ngày càng có nhiều hơn các sản phẩm công nghiệp chế biến chết lượng, đa dang mẫu mã

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Vương Thế Mẫn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết: Với lợi thế về vùng nguyên liệu gắn với nông lâm sản, Lai Châu sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến để phát huy giá trị. Ông Vương Thế Mẫn nhấn mạnh: “Sản phẩm nông nghiệp phải chế biến và chế biến sâu khi đưa ra thị trường mới mang lại giá trị lớn và thu nhập cho người nông dân. Song song với hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp, thì đi đôi với đó là thu hút, hình thành các cơ sở công nghiệp chế biến, tiếp đến là kết nối doanh nghiệp phân phối, đưa sản phẩm ra thị trường”. Ngành Công Thương Lai Châu xác định sẽ làm từng bước để Lai Châu có những sản phẩm chất lượng gắn với lợi thế, thương hiệu địa phương, xây dựng chuối giá trị…

Năm 2025, ngành Công Thương tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện các đề án khuyến công được phê duyệt nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương.

Minh Thư
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận