"Lá chắn thép" bảo vệ thành trì chống dịch

Khi những “lá chắn thép” chống Covid – 19 ở mỗi địa phương được dựng lên, ở đó, những tình nguyện viên trở thành người gác cổng, bảo vệ sức khỏe của người dân, chống lại sự xâm nhập của dịch bệnh.

Mỗi F0 khỏi bệnh là niềm vui và tự hào

Tháng 11/2021 dịch bệnh tại tỉnh Thừa Thiên Huế phức tạp trở lại. Tỉnh kích hoạt các bệnh viện dã chiến trở lại. Gác lại những công việc tại phòng khám, bác sĩ Trần Văn Chương – Phòng khám đa khoa Vinh Giang (xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) khăn gói một lần nữa lên đường cùng ngành y Huế chống dịch. “Chiến tuyến” chờ bác sĩ Chương là Bệnh viện dã chiến Chân Mây (huyện Phú Lộc).

Ths. BS Nguyễn Thái Nghĩa cùng đoàn tiếp sức Đà Nẵng thực hiện truy vết F0 tại TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh)

Dù đã có kinh nghiệm 1 lần phục vụ khu cách ly, cũng đã tiếp xúc F0, tuy nhiên, khi làm việc ở bệnh viện dã chiến, số lượng F0 chưa được tiêm vắc-xin hoặc được tiêm 1 mũi nên nhiều bệnh nhân có triệu chứng nặng, do vậy, công việc khám và điều trị có phần căng thẳng. Tuy nhiên, với kiến thức chuyên môn cũng như tinh thần quyết tâm cao nhất chống dịch, từng bệnh nhân dần có chuyển biến tốt và ra viện. “Mỗi bệnh nhân được ra viện là một niềm vui và niềm tự hào đối với chúng tôi” - bác sĩ Chương nói.

Những ngày cuối tháng 12/2021, số lượng F0 nhập viện có dấu hiệu nặng giảm, chủ yếu là thể nhẹ do đã được tiêm đủ liều vắc-xin, công việc điều trị của y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến cũng “dễ thở” hơn. Những lúc rảnh rỗi, các bác sĩ tại bệnh viện hỗ trợ tư vấn cho những F0 điều trị tại nhà ở TP. Hồ Chí Minh.

Chốt chống dịch giữa rừng

Trong thời điểm dịch Covid–19 diễn biến phức tạp, ngoài việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch, công tác bảo vệ, ngăn ngừa sự xâm nhập của virus từ bên ngoài vào địa phương trở thành một “nhiệm vụ nóng”, nhất là tại các khu vực đường mòn, lối mở, khu vực biên giới. Những chốt kiểm dịch tại những khu này cũng vì vậy mà gian khó hơn. Chốt kiểm dịch và khai báo y tế tại địa phận xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy nằm trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh là một trong số đó.

Bác sĩ Chương cùng ekip bác sĩ, y tá tại Bệnh viện dã chiến Chân Mây

Đây là tuyến đường có lượng xe vận tải hàng hóa đi qua khá đông và phức tạp. Các cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên trực chốt không chỉ “căng mình” để kiểm soát người và phương tiện ra vào, mà còn cố gắng để chính mình phải đảm bảo sức khỏe.

Dựng chốt tạm tại khu vực rừng núi nên điều kiện vật chất khá khó khăn. Cùng với đó, thời tiết mưa, lạnh tạo thêm một tầng khó khăn cho những con người nhỏ bé tại chốt kiểm dịch nơi đây. Là cán bộ trẻ thuộc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, tình nguyện tham gia chống dịch ở các chốt, anh Dương Tiến Đạt (SN 1994) phụ trách báo cáo và điều phối xe đưa người có liên quan đến Covid–19 đi cách ly. Lần đầu tiên đi xa nhà lâu như vậy, trong điều kiện cũng không được nói là tốt, nhưng khi nói về cuộc chiến với dịch Covid–19, ánh mắt chàng thanh niên trẻ vẫn sáng rực lên: “Tôi và mọi người vẫn luôn lạc quan dịch Covid–19 sẽ sớm được đẩy lùi, chúng tôi vinh dự là một phần nhỏ bé đóng góp trong thành quả đó”.

“Dịch Covid–19 là nét vẽ đậm trong tuổi trẻ chúng em”

Nhiều lần bất đắc dĩ trở thành “tâm dịch” của miền Trung và cả nước, bởi vậy cuộc chiến với dịch Covid–19 tại TP. Đà Nẵng trở lên đậm màu hơn so với các địa phương trong khu vực.

Trong những đợt cao điểm với số lượng ca mắc Covid–19 tăng nhanh liên tục, trước áp lực ngày càng lớn của lực lượng y bác sĩ, công an… hàng nghìn bạn trẻ là sinh viên từ các trường đại học trên địa bàn thành phố, mang trong mình trái tim nhiệt huyết, tinh thần xung kích của tuổi trẻ tình nguyên xông pha vào tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ công tác truy vết, cách ly…

2 lần tham gia chống dịch với Hoàng Ngọc Chinh (SN 1999, sinh viên Trường Đại học Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) sẽ là những dấu ấn khó quên của tuổi trẻ. Đến từ TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk), khi dịch Covid – 19 tại Đà Nẵng bùng phát, Chinh đã lựa chọn ở lại tình nguyện cùng thành phố chống dịch.

Lần đầu khi thành phố là tâm dịch (tháng 8/2020), được phân về khu cách ly Trường Chính trị khu vực 3 (Q. Sơn Trà), Chinh cũng khá lo lắng vì những nguy cơ lây nhiễm, nhất là bản thân không học ngành y. Nhưng nhiệt huyết, tinh thần xung kích của tuổi trẻ, cô gái nhỏ bé không do dự chuyển “tạm trú” sang khu cách ly.

Khi dịch Covid–19 tái bùng phát (tháng 5/2021), Chinh lại tiếp tục đăng ký tình nguyện chống dịch tại Trạm y tế phường Mân Thái (Q. Sơn Trà).

Tham gia chống dịch đã cho mình nhiều kỷ niệm đẹp, mình còn nhận được rất nhiều thư, tin nhắn cảm ơn của người dân khi hoàn thành cách ly về nhà. Đối với mình, niềm vui lớn nhất là được nhìn thấy mọi người sức khỏe ổn định, nụ cười rạng rỡ, cầm trên tay tờ giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly và ra về” - Chinh xúc động.

Cùng với Hoàng Ngọc Chinh, hàng nghìn thanh niên, sinh viên tại Đà Nẵng đã không ngần ngại, giơ tay khi Tổ quốc cần. Dịch Covid–19 đối với họ dù là một nét vẽ không tươi màu, nhưng chắc chắn những kỷ niệm chống dịch sẽ là nét vẽ đậm trong thanh xuân.

Tiếp sức cho tâm dịch

Khi TP. Hồ Chí Minh trở thành điểm nóng tâm dịch Covid–19 của cả nước, cùng với hàng chục nghìn y, bác sĩ hướng về tâm dịch, ngày 19/7, Ths. BS Nguyễn Thái Nghĩa – Quyền Giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa – Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng lên đường góp sức cùng TP. Hồ Chí Minh chống dịch.

Được Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phân về hỗ trợ chống dịch cho TP. Thủ Đức, đoàn y, bác sĩ, sinh viên tình nguyện của bác sĩ Nghĩa là một đội “săn F0”, thực hiện công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Nơi ở của đội là khu vực phong tỏa. Công việc truy vết liên tục bắt đầu từ 7h sáng đến 7h tối, thậm chí có những ngày cao điểm lên hơn 10h đêm mới về nơi nghỉ. Bác sĩ Nghĩa nhớ lại: “Lúc đó TP. Hồ Chí Minh rất nhiều F0 nên nguy cơ cũng rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tự tin vì trước khi đi, các sinh viên, giảng viên đã được tập huấn và nắm kỹ các phương pháp phòng hộ cá nhân, ai cũng ý thức được là “nếu mình không an toàn thì mình không hỗ trợ được cho địa phương” nên mọi người rất ý thức để giữ an toàn”. Dù đã rất cẩn thận, vẫn có những giảng viên, sinh viên trong đoàn “tiếp sức” của TP. Đà Nẵng bị nhiễm Covid-19, nhưng không một ai cảm thấy áp lực hay lo lắng.

Mình là người làm trong ngành y, chúng tôi không đi, ai cũng vậy thì làm sao chống dịch. Chúng tôi mang tâm thế tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng. Sau lưng chúng tôi có sự động viên của gia đình, họ hiểu đó là sứ mệnh của y bác sĩ” - bác sĩ Nghĩa cho biết.

Nhóm phóng viên miền Trung
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận