Kỳ II: “Gieo hạt” cho mùa sau

Vải thiều xuất khẩu (XK) được đánh giá cao, tiêu thụ trong nước tăng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, ngành chức năng đã làm nên một vụ vải thiều thắng lợi. Giờ đây, vải thiều đã có thể “gieo hạt” cho mùa sau.
\"\"
 Tuần lễ tiêu thụ vải thiều tại Hà Nội

Bài học từ sự chung tay

Để có được vụ vải thiều bội thu ngoài mong đợi phải kể đến sự điều hành nhạy bén các Bộ, ngành và địa phương. Một lần nữa, bài học về sự vào cuộc sát sao và chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền địa phương cùng sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành trong việc giúp đỡ người dân vùng trồng vải đã thể hiện giá trị của sự “chung tay”.

Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang - chia sẻ: “Chưa năm nào sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân lại rõ nét đến vậy. Ngay từ những ngày đầu vụ, UBND huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức các hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều. Đó là sự hỗ trợ về phương tiện vận chuyển, chiếu xạ quả vải ngay tại Hà Nội rồi các hội nghị xúc tiến XK, hỗ trợ vải thiều thông quan nhanh tại cửa khẩu các tỉnh biên giới Lào Cai, Lạng Sơn… tạo điều kiện cho trái vải vươn xa”.

Với nỗ lực tiêu thụ vải thiều, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay, năm 2016 cũng là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có chủ trương xúc tiến thương mại tại TP. Hà Nội thông qua Tuần lễ vải thiều Bắc Giang tại thủ đô. Qua đó, giúp người tiêu dùng thủ đô tiếp cận với vải thiều Lục Ngạn chính hiệu. Bên cạnh đó là sự chủ động, nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc cung cấp thông tin thị trường, công tác xúc tiến tiêu thụ nội địa và XK sang thị trường nước ngoài. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương vụ xúc tiến nhiều hoạt động tìm kênh tiêu thụ ở nước ngoài, đồng thời quảng bá hình ảnh trái vải Việt Nam.

Nối dài những thành công

Để nối dài thành công cho những mùa vải sau, ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho rằng, bên cạnh gắn kết hơn nữa việc liên kết trong tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng, Bắc Giang cần chú trọng cân đối thị trường trong nước và nước ngoài. Trong đó, không chỉ xúc tiến thương mại trong nước mà còn tổ chức các hội nghị quảng bá sản phẩm ngay tại những thị trường XK mới mở, đòi hỏi chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia…

Đại diện các DN XK cũng đưa ra ý kiến, hội nhập kinh tế đòi hỏi phải sản xuất theo chuỗi giá trị. Chính điều này tạo ra sự phát triển bền vững đối với nông sản Việt Nam và ổn định thu nhập cho nông dân khi hướng ra thị trường quốc tế. Điều này còn có ý nghĩa rất lớn đối với các DN XK bởi chất lượng là yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh nông sản của DN khi thâm nhập thị trường và ký kết các hợp đồng với các đối tác.

Những cách làm đó tuy không mới nhưng kết quả sẽ rất ấn tượng khi biết phát huy sức mạnh tổng hợp của các kênh chính sách, xúc tiến thương mại, các cơ quan quản lý vào cuộc đồng bộ thì chẳng riêng gì trái vải mà nhiều nông sản khác của Việt Nam có thể đi xa hơn ngay trên chính thị trường nội địa.

Sẽ có thêm nhiều mùa quả ngọt nữa cho Bắc Giang nếu có sự chung sức đồng lòng của người dân, chính quyền các cấp. Người dân tập trung đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng cây trái, chính quyền các cấp tạo cơ chế cho DN thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng, thuận tiện. Và như thế, chắc chắn sẽ vơi đi nhiều nỗi lo “được mùa mất giá” cho quả vải ngọt mãi những mùa sau.

Ghi nhận sự vào cuộc, định hướng dư luận khách quan và thiện chí, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã trao tặng Bằng khen cho Báo Công Thương về những thành tích xuất sắc trong tiêu thụ vải thiều năm 2016. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng trao Bằng khen cho phóng viên Nguyễn Lan Anh - Ban Thời sự - Kinh tế với loạt bài viết về tiêu thụ vải thiều năm 2016.
TIN LIÊN QUAN
Kỳ I: Mùa vải thiều thắng lợi
Thanh Tâm - Lan Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận