Kinh tế Ấn Độ được dự báo tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao nhất thế giới

Theo báo cáo mới nhất về Triển vọng Kinh tế toàn cầu do Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) vừa công bố, nền kinh tế Ấn Độ được dự báo tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng cao ở mức 7,3% trong năm 2018 và 7,4 % trong năm 2019 như đã công bố trước đó, trong khi các nền kinh tế lớn khác đều được dự báo tăng trưởng thấp hơn số liệu đã công bố hồi tháng 4.

Kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng 3,7% trong năm nay, giảm 0,2% so với lần dự báo gần đây, kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng ấn tượng khoảng 2,9% mức cao nhất trong vòng nhiều năm qua, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,6% giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 6,9% trong năm 2017, tăng trưởng kinh tế của khối EU khoảng 2% trong năm nay, giảm nhẹ so với mức 2,4% của năm ngoái, và giảm 0,2% so với dự báo lần trước.

Chiến tranh Thương mại là nguyên nhân chính dẫn đến dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, tổng giá trị trao đổi thương mại toàn cầu trong năm chỉ tăng khoảng 4,2%, giảm mạnh so với mức 5,2% đã đạt được trong năm 2017 và giảm 0,5% so với kỳ dự báo tháng 4.

Cũng theo IMF, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ có khả năng đạt 7,75% trong thời gian tới nhờ vào những cải tổ về chính sách do chính phủ của ông Modi thực hiện trong thời gian gần đây như việc áp dụng thuế GST trên toàn quốc, ban hành các đạo luật về giải quyết nợ xấu, luật phá sản doanh nghiệp, các chính sách tạo thuận lợi trong kinh doanh và thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Tuy nhiên, cũng có những thách thức từ các yếu tố bên ngoài như giá dầu tăng mạnh trong thời gian vừa qua và xu hướng thắt chặt với các điều kiện tài chính toàn cầu.

IMF khuyên chính phủ Ấn Độ nên ban hành chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian tới do làm phát của nước này dự báo sẽ ở mức 4,7% trong năm nay so với mức 3,6% của năm trước và vượt qua kế hoạch của chính phủ ở mức +- 4%.

Trước đó, trong kỳ họp thường kỳ của Hội đồng Chính sách Tiền tệ Quốc gia hai tháng 1 lần ngày mồng 4 và 5/10 vừa qua, cơ quan này quyết định giữ nguyên tỷ giá Repo ở mức 6,5%/ năm, điều này khá bất ngờ với các chuyên gia kinh tế và nhà nghiên cứu, khi mà tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao, và giá xăng dầu ở Ấn Độ cũng đang ở mức cao kỷ lục sẽ tiếp tục gây sức ép lên lạm phát.

IMF cũng chỉ ra rằng “Lãi suất cao và rủi ro từ lợi tức trái phiếu tăng đòi hỏi Ấn Độ phải giảm nợ trung và ngắn hạn để thiết lập độ tin cậy của chính sách và xây dựng bộ đệm cho nền kinh tế. Những nỗ lực này cần được hỗ trợ bằng cách cắt giảm mạnh các khoản trợ cấp và tăng cường giám sát thực thi thuế hàng hóa và dịch vụ - GST ”.

Các ưu tiên cải cách của Ấn Độ cũng nên thực hiện với lĩnh vực tín dụng ngân hàng, giúp phục hồi và nâng cao hiệu quả của các khoản tín dụng dự phòng bằng cách đẩy nhanh việc thanh toán qua ngân hàng và làm sạch bảng cân đối kế toán doanh nghiệp để đảm bảo quản trị rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng được cải thiện thêm.

Làm giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của giá nhiên liệu tăng và đồng Rupi rớt giá đối với lạm phát để bảo bảo lạm phát đối với thực phẩm và năng lượng trong tầm kiểm soát khoảng 6%, cũng là một yếu tố chính phủ Ấn Độ cần lưu ý.

Trung Thương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận