Sáng ngày 24/3, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức diễn đàn “Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho HTX trong bối cảnh mới”.
Nhiều chính sách nhưng HTX chưa tiếp cận
Trình bày Báo cáo nghiên cứu “Tác động và ứng phó đại dịch Covid-19 - Thực trạng tiếp cận chính sách của khu vực HTX Việt Nam” do Liên minh HTX Việt Nam và UNDP phối hợp thực hiện, PGS.TS. Phạm Thị Hồng Yến - Trưởng ban Hợp tác quốc tế - Liên minh HTX Việt Nam - cho biết, đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến HTX, với mức độ đánh giá bình quân 3,84/5 (5 là mức tác động nghiêm trọng nhất). Về lĩnh vực ngành nghề, HTX thuộc lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức độ đánh giá nghiêm trọng gần như tuyệt đối (4,83/5); các HTX vận tải với mức đánh giá nghiêm trọng ở mức 4,4/5; các HTX nông nghiệp ít thiệt hại hơn. Về doanh thu và lợi nhuận của HTX bị giảm tiêu cực, 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 có 82,2% số HTX bị giảm doanh thu, trong đó, có 42,5% số HTX giảm hơn một nửa doanh thu. Lợi nhuận của HTX cũng bị sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, một số HTX vẫn có doanh thu lớn hơn cùng kỳ năm 2019, hoạt động có lãi chiếm 17,8%, chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ và một số HTX nông nghiệp….
![]() |
Sản xuất theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi mới của nhiều hợp tác xã nông nghiệp |
Để có thể thích nghi với những tác động của đại dịch Covid-19, các HTX cũng tự tìm những giải pháp nâng cao năng lực chống chịu và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19. Nghiên cứu ghi nhận 76,8% số HTX tham gia khảo sát đã áp dụng số hóa để trao đổi thông tin, tổ chức họp và ra quyết định tập thể; 37,4% HTX sử dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tuyên truyền; 35,6% HTX hỗ trợ thành viên, người lao động các phương tiện bảo hộ cá nhân….
Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho HTX trước tác động của đại dịch Covid-19, Nhà nước đã ban hành 5 chính sách hỗ trợ với 8 nhóm cụ thể. Tuy nhiên, việc nắm bắt và tiếp cận chính sách của khu vực HTX còn hạn chế, 41% số HTX không biết đến chính sách cho HTX vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động; 38% số HTX không nắm được chính sách giảm giá điện bán lẻ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là chính sách được HTX nắm bắt và tiếp cận tốt nhất với con số được khảo sát là 77%.
Tỷ lệ và số lượng HTX được thụ hưởng các chính sách vẫn còn hạn chế. Chính sách có nhiều HTX được thụ hưởng nhất là chính sách giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, chỉ đạt tỷ lệ 14%; tiếp đến là chính sách giảm giá điện bán lẻ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX (12% số HTX được thụ hưởng); ngoài ra, chỉ 10% số HTX được thụ hưởng chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Các chính sách còn lại, theo khảo sát tỷ lệ HTX được thụ hưởng dao động từ 3% đến 6%.
Nguyên nhân được của hạn chế tiếp cận, thụ hưởng chính sách được chỉ ra gồm: kênh phối hợp, kết nối giữa cơ quan thực thi, tuyên truyền, hướng dẫn HTX về các chính sách chưa được nhịp nhàng, kịp thời; một số HTX đã chủ động làm đơn hỗ trợ gửi cơ quan chức năng và làm hồ sơ thụ hưởng nhưng không nhận được phản hồi về kết quả hoặc lý do tại sao hồ sơ bị từ chối; thủ tục hành chính, hồ sơ phức tạp, qua nhiều cơ quan, ban ngành khiến các HTX thấy mất nhiều thời gian mà mức hỗ trợ không đáng kể, thậm chí có thể không đủ bù phần chi phí làm hồ sơ thụ hưởng; không đủ điều kiện thụ hưởng theo yêu cầu của chính sách.
Cơ chế thực thi các chính sách đối với HTX cần dễ tiếp cận và dễ thực hiện
Đưa ra đề xuất kiến nghị với cơ quan chức năng, PGS.TS. Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, trong ngắn hạn, Chính phủ ban hành và xác định rõ HTX là đối tượng được thụ hưởng chính sách; bên cạnh đó, sửa đổi các quy định hiện hành về điều kiện thụ hưởng chính sách đối với HTX một cách linh hoạt và phù hợp với thực tiễn, điều kiện của các HTX; chỉ đạo việc thực hiện một cách nhanh chóng và kịp thời, đúng thời điểm là giai đoạn khó khăn và cần thiết đối với HTX.
Về dài hạn, Chính phủ cần chú trọng các giải pháp và chính sách về hỗ trợ tài chính và phát triển chuyên môn, kỹ năng, tay nghề lao động. Các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển HTX cần bám sát thực tế và phù hợp với đặc điểm riêng, mong muốn thiết thực, thực tế hoạt động, trình độ nắm bắt và khả năng thụ hưởng của HTX. Công tác tuyên truyền và tư vấn chính sách cho HTX cần được đẩy mạnh và không bỏ sót những đối tượng thực sự cần được hỗ trợ; cơ chế thực thi các chính sách đối với HTX cần đơn giản, rõ ràng, dễ tiếp cận và dễ thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - cho hay, đại dịch Covid-19 cùng với diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh đã gây tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân, gây gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm giảm doanh thu của HTX nông nghiệp, du lịch, thủ công nghiệp và thương mại giảm trên 50%. Làm rõ hơn tác động và ứng phó đại dịch Covid-19, thực trạng tiếp cận chính sách của khu vực HTX Việt Nam cũng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đánh giá mức độ chống chịu và thích ứng của HTX; rà soát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với khu vực này cũng như mức độ tiếp cận, nắm bắt và thụ hưởng chính sách của HTX. Từ đó, đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các cơ quan chức năng, hỗ trợ HTX vượt qua khó khăn và phát triển. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực thi của các chính sách hỗ trợ đối với HTX thời kỳ trong và sau đại dịch Covid-19.