Không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với bình quân cùng kỳ các năm gần đây. Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng, không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của năm 2020.

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19, nhiều ngành, lĩnh vực đã bị ảnh hưởng nặng nề, theo ông, kịch bản tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm như thế nào?

khong nen dieu chinh muc tieu tang truong

Ngay từ đầu năm, TCTK đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho cả năm. Tuy nhiên từ cuối tháng 1, đầu tháng 2, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TCTK đã đánh giá các thiệt hại, tác động tới từng ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, từ đó điều chỉnh tăng trưởng kinh tế. Trước kia, hàng quý, TCTK mới cập nhật kịch bản, nhưng ngay trong quý I, đã cập nhật kịch bản đến 3, 4 lần.

Khi quý I có kết quả tăng trưởng là 3,82%, TCTK đã xây dựng lại kịch bản tăng trưởng. Theo đó, có 3 kịch bản: Thứ nhất, nếu Covid-19 chỉ kéo dài đến hết quý II, kịch bản tăng trưởng trên 5%. Thứ hai, nếu dịch kéo dài sang quý III, kịch bản tăng trưởng cũng trên 5% nhưng thấp hơn so với kịch bản kéo dài hết quý II. Thứ ba, TCTK vẫn tính toán 1 kịch bản để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8%, với những kịch bản tăng trưởng cụ thể cho từng quý còn lại.

Với mục tiêu tăng trưởng 6,8%, ngay từ đầu, TCTK đã tham vấn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ là kịch bản này rất khó đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) đang suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam có độ mở nền kinh tế rất lớn, trên 200%, phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang đóng cửa biên giới, đóng cửa thương mại, ưu tiên phòng, chống dịch bệnh, sẽ ảnh hưởng đến kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Vì vậy, kịch bản tăng trưởng 6,8% rất khó khăn, tuy nhiên, TCTK vẫn xây dựng.

Mục tiêu tăng trưởng 6,8% khó như vậy, liệu có nên điều chỉnh mục tiêu không, thưa ông?

Mục tiêu tăng trưởng 6,8% được xây dựng khi dịch bệnh chưa xảy ra. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, dịch bệnh lan rộng khắp toàn cầu, Việt Nam đạt được tăng trưởng dương, cụ thể, quý I là 3,82%. Nếu theo kịch bản TCTK xây dựng là trên 5%, thì đó là thành công rực rỡ và đáng tự hào. Trong khi đó, tất cả nền kinh tế lớn không tăng trưởng, tăng trưởng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm, mà chúng ta vẫn tăng trưởng dương, cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để đẩy lùi dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, quan điểm của TCTK, không nên điều chỉnh, không cần thiết đổi mục tiêu để năm nào cũng đạt. Quan trọng là, chúng ta đã nỗ lực hết sức, thực hiện đồng bộ các giải pháp.

khong nen dieu chinh muc tieu tang truong
Tăng trưởng năm 2020 được dự báo thấp hơn mục tiêu 6,8% được đưa ra từ đầu năm

Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng GDP của Việt Nam trong thời gian tới?

TCTK chia ra làm 5 nhóm động lực triển khai trong thời gian tới. Thứ nhất, là động lực từ thể chế, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Bởi, tháo gỡ về thể chế sẽ tháo gỡ được giải ngân vốn ĐTC. Giải ngân 1% vốn ĐTC sẽ làm cho GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm.

Hai là, khi giải ngân được vốn ĐTC sẽ kéo theo vốn tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tiếp. Khi đó, cần nâng cao hiệu quả của các dòng vốn đầu tư này. Theo tính toán, nếu ICOR giảm được 0,5 lần thì GDP tăng được 0,64 điểm phần trăm; nếu hệ số ICOR giảm 1 lần thì GDP tăng thêm được 1,42%. Vì vậy, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư sẽ là giải pháp trước mắt và dài hạn.

Ba là, nâng cao năng suất lao động. Đây là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế, bởi năng suất lao động nếu tăng được 1% thì làm GDP toàn nền kinh tế tăng 0,94%; chuyển dịch cơ cấu lao động giảm 5% của khu vực nông-lâm-thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 2,5% và khu vực dịch vụ tăng 2,5%, sẽ làm cho GDP toàn bộ nền kinh tế tăng 0,25%.

Bốn 4, tăng năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Quan tâm khai thác, thúc đẩy thị trường trong nước phát triển, đáp ứng nhu của nền kinh tế với gần 100 triệu dân. Tiêu dùng cuối cùng của dân cư mạnh và ổn định là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Năm là, nhóm động lực tổng hợp được triển khai ngay trong các quý còn lại của năm 2020.

Xin cảm ơn ông!

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, quý I/2020, khu vực nông- lâm-thủy sản chỉ tăng 0,08%; dịch vụ tăng 3,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12% và đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế quý I.
Thu Phương
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận