Hành động giảm thiểu ô nhiễm không khí |
Dự án Giảm thiểu ô nhiễm do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, có mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường tại các khu vực mục tiêu thông qua cách tiếp cận tác động tập thể. Hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự án thúc đẩy các sáng kiến địa phương và tăng cường năng lực của các đối tác để xây dựng mạng lưới địa phương nhằm giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm trọng điểm tại Việt Nam.
![]() |
Chính thức khởi động Dự án Giảm thiểu ô nhiễm |
Cách tiếp cận tác động tập thể giúp giải quyết những thách thức phức tạp, thông qua việc huy động các bên liên quan khác nhau cùng hợp tác và xác định cách giải quyết một vấn đề chung, từ đó, các bên cùng thực hiện hành động dựa trên vai trò và thế mạnh của mỗi bên. Dự án sẽ áp dụng khung tác động tập thể nhằm tăng cường mạng lưới, bao gồm các tổ chức địa phương, chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và cộng đồng để cùng hợp tác ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Dự án cũng thực hiện quá trình tham vấn rộng rãi với chính quyền địa phương, cộng đồng, tổ chức địa phương và doanh nghiệp để xác định các sáng kiến tác động tập thể. Các sáng kiến này thể hiện quyết tâm hành động của Nhà nước, sự lãnh đạo của cộng đồng và sự tham gia của đối tác khu vực tư nhân để giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường.
Các sáng kiến của dự án tập trung vào giảm ô nhiễm nhựa, giảm ô nhiễm không khí do giao thông đường bộ và hoạt động đốt mở, giảm ô nhiễm ở các làng nghề, phát triển nền tảng thông tin môi trường minh bạch.
Để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường, với mỗi sáng kiến tác động tập thể, dự án sẽ tài trợ cho một tổ chức địa phương đóng vai trò “nòng cốt”. Tổ chức nòng cốt này sẽ dẫn dắt việc thực hiện mỗi sáng kiến bằng cách huy động sự hỗ trợ của cộng đồng, thúc đẩy chính sách, huy động thêm nguồn kinh phí, thiết kế và thực hiện các chiến dịch thay đổi hành vi và nhận thức. Bên cạnh đó, các đơn vị nghiên cứu trong nước và các tổ chức cộng đồng sẽ có thể nhận được khoản hỗ trợ nhỏ để phục vụ cho các nghiên cứu bổ sung và các nỗ lực vận động chính sách.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Trần Hồng Hà đánh giá cao dự án này; đồng thời nhấn mạnh, đây là sự kiện đặc biệt và quan trọng, không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị mà đòi hỏi năng lực, trình độ để chúng ta thay đổi; xây dựng được trình độ quản lý môi trường hướng tới hiện đại hơn.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Trần Hồng Hà phát biểu tại sự kiện |
Với cách tiếp cận, dự án này mang tính chất xác lập nền tảng để hiện đại hóa từ trung ương đến địa phương. Dự án không chỉ xây dựng năng lực cho những người làm quản lý mà còn hợp tác công tư, điều này rất quan trọng. Dự án mở ra không gian mới.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam mong các đối tác với tinh thần hợp tác mang lại những vấn đề lớn, như giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; giải quyết chuyển đổi năng lượng…
Dự án Giảm thiểu ô nhiễm mong đợi đạt được các kết quả: Khởi động được 6 sáng kiến tác động tập thể bao gồm ô nhiễm nhựa, ô nhiễm không khí do giao thông đường bộ và đốt mở, ô nhiễm ở các làng nghề và thông tin môi trường minh bạch từ các công ty, khu công nghiệp; hoàn thiện chính sách liên quan tới giảm ô nhiễm môi trường để hỗ trợ triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020; tăng cường sự phối hợp của mạng lưới các bên liên quan nhằm giúp ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường;nâng cao năng lực về thiết lập, chia sẻ và sử dụng dữ liệu môi trường nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách và giải pháp đối với các thách thức về ô nhiễm môi trường.