![]() |
Cần Giờ là địa phương có thế mạnh du lịch “trên bến, dưới thuyền” với nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết |
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh - cho biết, năm 2017, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, sẽ tiếp tục nâng cao hình ảnh TP. Hồ Chí Minh là điểm đến “Hấp dẫn - thân thiện - an toàn”, đưa ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững, nâng chất lượng dịch vụ, khai thác tối đa tiềm năm sản phẩm du lịch. Các sản phẩm du lịch đặc thù cần được khai thác là: Du lịch đường sông như: Nhiêu Lộc, Thị Nghè, Tàu Hủ, Bến Nghé, sông rạch Cần Giờ; làng nghề bánh tráng (Củ Chi), làng đóng giày (quận 4); phát triển khu chợ đêm (trung tâm quận 1), khai thác các chợ đầu mối (Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn) thành điểm du lịch mua sắm và trải nghiệm cùng tiểu thương về kinh doanh... Đặc biệt, các khu vực ngoại ô như: Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, quận 9 sẽ tổ chức những điểm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần vốn rất giàu tiềm năng để thu hút khách.
Theo đánh giá của ông Lã Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, với sông Sài Gòn, sông Đồng Nai cùng hệ thống kênh rạch bao quanh, TP. Hồ Chí Minh rất giàu tiềm năng để phát triển loại hình du lịch “trên bến, dưới thuyền”, đủ sức thu hút du khách thập phương tham gia. Hiện, ngoài Tập đoàn Trung Thủy đầu tư vào loại hình du lịch mới là “Phà du lịch trên sông Bến Nghé”, 3 doanh nghiệp đang đề nghị được cấp phép để phát triển loại hình du lịch “Thuyền cà phê” trên sông - hướng mở để ngành du lịch thành phố bứt phá.
Ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đang có kế hoạch triển khai “Phố đi bộ” ở khu vực đường Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu, Bùi Viện (quận 1); nghiên cứu xây dựng phố mua sắm về đêm ở khu vực bến Bạch Đằng kèm phương án quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng Việt; xây dựng chợ đêm Sài Gòn ở khu vực Bến Vân Đồn (quận 4); tổ chức du lịch gắn với thể thao; du lịch gắn với nghỉ dưỡng, chăm sóc sắc đẹp; liên hoan nghệ thuật đường phố quốc tế… đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài TP. Hồ Chí Minh quan tâm.
Để phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, Cần Giờ là địa phương có nhiều lợi thế nhưng tiềm năng chưa được khai thác. Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho biết, năm 2017, Cần Giờ dự kiến đón 1,25 triệu lượt khách với doanh thu 500 tỷ đồng. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Thành Phong - cho rằng, Cần Giờ có hơn 10km bờ biển và hơn 34km² bãi biển, có rừng ngập mặn đặc biệt hiếm có. Với tiềm năng này, Cần Giờ cần xác định và theo đuổi mục tiêu xây dựng địa phương trở thành đô thị biển, đô thị du lịch nghỉ ngơi và giải trí.
Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2017 đến nay, thành phố đón hơn 500.000 lượt du khách, tăng hơn 70.000 lượt so với cùng kỳ năm 2016, mục tiêu đón 6 triệu lượt du khách quốc tế đến thành phố trong năm nay là hoàn toàn khả thi. Để đạt được mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các ngành, các cấp cần xem du lịch là ngành mũi nhọn, cả hệ thống chính trị sẽ nghiên cứu, xem xét lồng ghép hoạt động du lịch vào từng lĩnh vực cụ thể để tăng hiệu quả. Trước mắt, ngành du lịch cần phối kết hợp với các sở, ngành để xây dựng chiến lược phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch đặc trưng. “Mỗi quận, huyện, sở, ngành có thể đưa ra một sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, của ngành mình quản lý. Cần xem du lịch là giải pháp, khách du lịch là nguồn nuôi sống thì mới có hiệu quả” - ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.